Mỹ - Triều và cuộc khẩu chiến nguy hiểm 'khét mùi thuốc súng'

09/08/2017 - 12:15

PNO - Ngày 9/8, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin quân đội nước này đang "kiểm tra kế hoạch tác chiến” để tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa các khu vực quanh đảo Guam của Mỹ.

Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Bình Nhưỡng phải đối mặt với sự cuồng nộ và máu lửa “thế giới chưa từng thấy”, nếu Triều Tiên tiếp tục đe dọa Hoa Kỳ và theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của mình.

Cụ thể, tuyên bố của Bình Nhưỡng đề cập đến một cuộc tấn công tiềm tàng vào "căn cứ không quân Andersen”.

Lời đe dọa của Triều Tiên được cơ quan truyền thông nước này giải thích là phản ứng đối với việc các máy bay ném bom B-1B của Mỹ bay trên trên bán đảo Triều Tiên, các máy bay này xuất phát từ căn cứ không quân Andersen ở Guam.

My - Trieu va cuoc khau chien nguy hiem 'khet mui thuoc sung'

Tuy nhiên, Văn phòng Quốc phòng Guam của Mỹ hôm 9/8 đưa ra một tuyên bố rằng không hề có mối đe dọa sắp xảy ra đối với sự an toàn của cư dân và khách du lịch trên lãnh thổ này của Mỹ. Ở Guam hiện có khoảng 160.000 người cư trú, trong đó có hàng nghìn lính Mỹ.

George Charfauros, Cố vấn An ninh Nội địa của Guam, cho biết cho đến sáng nay người Mỹ ở Guam vẫn không thay đổi lập trường tin rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ “trên cơ sở hàng ngày”.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tái khẳng định khả năng chống “sự xâm lược của Triều Tiên”.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Johnny Michael tuyên bố: "Chúng tôi luôn duy trì trạng thái sẵn sàng cao và có đầy đủ khả năng để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, kể cả từ Triều Tiên”.

Tuyên bố của KCNA nói rằng "sáng ngày 8/8, những tên kẻ cướp lại xuất hiện trên bầu trời Hàn Quốc để thực hiện một cuộc tập trận ‘điên rồ’ mô phỏng một cuộc chiến tranh thực tế”.

Tham gia cuộc tập trận với thông điệp “sự hiện diện liên tục của máy bay ném bom của Mỹ” còn có các máy bay của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Không phải ngẫu nhiên Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Guam, vì hòn đảo này được coi là “đầu mũi giáo” sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

My - Trieu va cuoc khau chien nguy hiem 'khet mui thuoc sung'
Bình Nhưỡng đe dọa tấn công căn cứ không quân Andersen ở Guam, nơi xuất phát các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ - Ảnh: The Japan Times

Bất chấp cuộc khẩu chiến với những tuyên bố khét mùi thuốc súng, Washington vẫn không từ bỏ các giải pháp khác trong vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là các giải pháp ngoại giao.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhiều lần nhấn mạnh ông muốn tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, vì một hành động quân sự có thể gây ra thảm kịch "trên một quy mô không thể tin được”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley gọi các biện pháp trừng phạt mới được thông qua đối với Triều Tiên là “một đòn mạnh mẽ”, và cảnh báo về khả năng Mỹ sử dụng hành động quân sự nếu chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa an nninh của Mỹ.

Theo cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông H.R McMaster, những lựa chọn quân sự này bao gồm một cuộc "tấn công phủ đầu" chống lại Triều Tiên.

Ông McMaster khẳng định "nếu họ có vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Hoa Kỳ, thì chúng ta phải sẵn sàng mọi sự lựa chọn để ngăn chặn điều này, bao gồm cả sự lựa chọn quân sự”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho cuối tuần qua cho biết Bình Nhưỡng sẽ "không bao giờ đặt các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo lên bàn đàm phán" và sẽ "dạy cho Hoa Kỳ một bài học” nếu Washington sử dụng quân đội chống lại Triều Tiên.

Cả Mỹ và Triều Tiên thường sử dụng những tuyên bố hùng biện mạnh mẽ như một công cụ gửi thông điệp chiến lược, và các nhà phân tích cảnh báo rằng sự leo thang khẩu chiến có nguy cơ gây ra một sự tính toán sai lầm thảm khốc.

Việt Hưng (Theo CNN, Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI