Mỹ: Trẻ vị thành niên tự tử gia tăng khiến phòng cấp cứu bệnh viện quá tải

09/05/2022 - 15:05

PNO - Trong khi số trẻ vị thành niên tự tìm đến cái chết ngày càng tăng trong những năm gần đây, thì hệ thống điều trị tâm thần cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú chuyên sâu đang ngày càng bị thu hẹp, khiến nhiều bệnh nhân nhập viện vì lý do này phải “quá cảnh” tại các phòng cấp cứu trong một thời gian dài.

Vào một buổi tối thứ Năm mưa tầm tã vào mùa xuân năm ngoái, một cô bé 15 tuổi được cha mẹ đưa đến khoa cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng Boston. Cô bé có vết hằn trên cả hai cổ tay do tự làm hại bản thân và một lần tự tử. Vào sáng hôm đó, cô bé đã tâm sự với bác sĩ nhi khoa rằng mình đang có ý định làm lại việc này.

Bệnh viện Nhi đồng Colorado ở Aurora
Bệnh viện Nhi đồng Colorado ở Aurora

Tại phòng cấp cứu, một bác sĩ đã khám cho cô bé và giải thích với cha mẹ cô rằng không nên đưa em về nhà vì điều đó sẽ không an toàn.

“Nơi tốt nhất cho thanh thiếu niên gặp nạn như trường hợp này không phải là bệnh viện, mà là các trung tâm điều trị nội trú. Tại những nơi này, các em sẽ được điều trị trong một môi trường mang tính cộng đồng và yên bình hơn, giúp các em ổn định tâm lý và dễ dàng trở lại cuộc sống thực hàng ngày. Nhưng tiếc là không có bất kỳ trung tâm điều trị nào như vậy trong khu vực”, vị bác sĩ này nói.

Ngoài bé gái nói trên, 15 trẻ vị thành niên khác - tất cả đều trong tình trạng tinh thần bất ổn - cũng được đưa vào khoa cấp cứu của bệnh viện, nhưng phải lây lất ngủ lại trong các phòng cấp cứu hết đêm này qua đêm khác, để chờ được xếp chỗ trong khu vực điều trị nội trú. Mỗi em phải chờ trung bình 10 ngày cho một chương trình điều trị sau khi được đưa vào phòng cấp cứu.

Theo tờ The New York Times, trong năm 2021, các bệnh nhân tuổi vị thành niên được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Boston để điều trị đã phải ở lại các phòng cấp cứu trung bình đến 9 ngày mới được đưa đến một giường bệnh nội trú, so với 3,5 ngày vào năm 2019. Số ngày này tại Bệnh viện Nhi đồng Colorado ở Aurora vào năm 2021 là 8 ngày, và tại Trung tâm Y tế trẻ em Connecticut ở Hartford là 6 ngày.

Bé gái, được gọi là G để bảo vệ sự riêng tư, đã trải qua tuần đầu tiên chờ đợi trong phòng “an toàn tâm lý” tại khoa cấp cứu. Em bị cấm sử dụng tất cả các thiết bị được cho là có thể gây hại, trong đó có thiết bị điện tử có thể truy cập Internet. Các bác sĩ sợ rằng em sẽ lại lên mạng tìm cách tự tử, hoặc tìm cách liên lạc với bạn bè để nhờ lén đưa vào một vật nhọn bằng sắt và làm điều này, như một số trẻ vị thành niên khác đã từng làm. Cửa phòng của bé luôn được mở cả ngày lẫn đêm để các nhân viên y tế có thể theo dõi mọi hành vi của em.

Theo NYT, tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên Mỹ đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2019, 13% thanh thiếu niên cho biết đã từng trải qua một giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng, tăng 60% so với năm 2007. Tỷ lệ tự tử ở đối tượng này ổn định từ năm 2000 đến 2007, nhưng tăng vọt gần 60% vào năm 2018, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.

Điều đáng nói là trong cuộc khủng hoảng đó, các khoa cấp cứu ở bệnh viện đã trở thành khu nội trú dành cho những em có nguy cơ cao lại tiếp tục làm hại bản thân mình hoặc người khác, nếu các em được đưa về nhà quá sớm. Câu chuyện của G nói trên là một điển hình. Các em không có nơi nào khác để đi. Và trong khi số trẻ vị thành niên tự tìm đến cái chết ngày càng tăng, thì hệ thống điều trị tâm thần cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú chuyên sâu đang ngày càng bị thu hẹp.

Trên toàn nước Mỹ, số lượng cơ sở điều trị nội trú cho người dưới 18 tuổi giảm xuống còn 592 vào năm 2020, từ con số 848 vào năm 2012, tức giảm 30%, theo cuộc khảo sát gần đây nhất của chính phủ liên bang.

Theo NYT, sự sụt giảm này một phần là hậu quả của những thay đổi trong chính sách của Mỹ, theo hướng không đặt việc ứng phó với sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần lên ưu tiên hàng đầu. Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và tình trạng thiếu lao động trong đại dịch COVID-19 cũng đã khiến nhiều trung tâm điều trị phải tạm ngưng hoạt động, các chuyên gia cho biết.

Và xu hướng này đã khiến cho các phòng cấp cứu bắt đầu trở nên “thất thủ”. Một nghiên cứu gần đây đối với 88 bệnh viện nhi trên khắp cả nước cho thấy 87 bệnh viện trong số này thường xuyên phải chuyển các bệnh nhân là trẻ em và thanh thiếu niên đến các phòng cấp cứu để ở lại qua đêm. Trung bình, mỗi bệnh viện phải chuyển 4 em đến các phòng cấp cứu này mỗi ngày, và mỗi em phải ở lại đây ít nhất 48 tiếng.

Tiến sĩ JoAnna K. Leyenaar - một bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế Dartmouth-Hitchcock, và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Các bệnh viện ở Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tiếp nhận bệnh nhân sức khỏe tâm thần ở tuổi vị thành niên”. Trong một cuộc phỏng vấn, cô cho biết ước tính ít nhất 1.000 thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần, và những ngày cao điểm có thể lên đến 5.000, được đưa đến khoảng 4.000 khoa cấp cứu trên toàn nước Mỹ mỗi đêm.

Nhất Nguyên (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI