Mỹ: Trẻ em tự tử nhiều hơn trong thời gian đi học

24/08/2022 - 16:20

PNO - Theo một nghiên cứu, ngược lại với người lớn, tỷ lệ trẻ em tự tử ở Mỹ thấp nhất nhất trong mùa hè, và cao nhất trong năm học.

Kết quả từ một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ năm 2013 cho thấy, 83% thanh thiếu niên nước này nói rằng trường học là một nguyên nhân hoặc nguồn gốc chủ yếu khiến các em căng thẳng.

một số nghiên cứu cho thấy việc làm bài tập về nhà quá nhiều trên thực tế sẽ có hại cho sức khỏe và tinh thần của trẻ em
Một số nghiên cứu cho thấy việc làm bài tập về nhà quá nhiều trên thực tế sẽ có hại cho sức khỏe và tinh thần của trẻ em

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện với các nhà lãnh đạo trường học ở Anh năm 2017, 82% cho biết họ nhận thấy các vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng ở trẻ em tiểu học trong thời gian diễn ra các kỳ thi quốc gia.

Trong các nghiên cứu vào năm 2013 và 2015 về ảnh hưởng của bài tập về nhà đối với học sinh ở Mỹ, các tác giả phát hiện ra rằng trẻ em tiểu học phải dành ra trung bình 30 phút mỗi tối để làm bài tập về nhà, trong khi học sinh trung học mất 3 giờ cho việc này. Các tác giả cho rằng, tình trạng này đã ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sự cân bằng giữa việc học tập và cuộc sống của các em.

Bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu của tổ chức Wonder thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ để tìm thông tin về các ca tử vong ở trẻ em (17 tuổi trở xuống) do tự tử, Tyler Black - một bác sĩ tâm thần nhi khoa cấp cứu, và là phó giáo sư lâm sàng về tâm thần học trẻ em và vị thành niên tại Đại học British Columbia - đã phát hiện ra rằng, vào các ngày trong tuần và trong các tháng đi học, số ca tử vong do tự tử ở trẻ em gia tăng đáng kể.

Cụ thể, trong các tháng đi học, số vụ tự tử ở trẻ em dao động từ 30%-43%. Black cho biết, điều này hoàn toàn trái ngược với người lớn, đối tượng thường có tỷ lệ tự tử cao nhất vào những tháng mùa hè.

Bác sĩ Black  nói thêm, tình trạng này không được cải thiện theo thời gian: So với các ngày cuối tuần trong mùa hè, vào các ngày trong tuần trong những tháng đi học từ năm 2016-2019, tỷ lệ trẻ em tự tử tăng 6 %. Mức tăng này là 42% trong giai đoạn 1999-2015.

Bác sĩ Black cho rằng, tình trạng căng thẳng cao độ vì gánh nặng học tập, bị bắt nạt, các rào cản liên quan đến sức khỏe và khuyết tật, bị phân biệt đối xử, thiếu ngủ và đôi khi bị lạm dụng… có thể là những nguyên nhân chính khiến trẻ em dễ tự tìm đến cái chết trong thời gian đi học.

Tình trạng trẻ em tự tử gia tăng trong thời gian đi học cũng phổ biến ở một số nước phát triển khác như Nhật Bản, Đức và Phần Lan.

Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ Black khuyên các trường học nên nghiên cứu giảm bớt (hoặc tốt nhất là bỏ hẳn) số lượng bài tập về nhà. Ông dẫn chứng một số nghiên cứu cho thấy việc làm bài tập về nhà quá nhiều trên thực tế sẽ có hại cho sức khỏe và tinh thần của trẻ em.

Bên cạnh đó, ông Black cho rằng các trường nên thực hiện một số giải pháp khác, như bổ sung một chương trình giảng dạy về sức khỏe tâm thần; quan tâm giải quyết triệt để nạn bắt nạt học đường; đầu tư cho các hoạt động vui chơi, âm nhạc và nghệ thuật trong trường học và giảm thiểu tình trạng quá tải trong học tập; điều chỉnh thời gian bắt đầu buổi học muộn hơn; hạn chế “phán xét” và tôn trọng học sinh như những cá nhân; nhận biết và giải quyết tình trạng lạm dụng trẻ em trong trường học

Bác sĩ Black cho biết, trong một nghiên cứu năm 2015, 44% học sinh chưa tốt nghiệp nhớ lại khoảng thời từ lúc học mẫu giáo đến lớp 12, các em đã từng bị giáo viên lạm dụng tình cảm. Và trong một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2019, 3,4% học sinh lớp 7 và lớp 8 cho biết từng bị giáo viên bắt nạt.

Nhất Nguyên (theo Scientific American)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI