Mỹ tiếp tục siết nguồn cung chất bán dẫn cho các công ty Trung Quốc

29/09/2020 - 06:02

PNO - Hôm 25/9, hãng tin Reuters tiết lộ, các nhà cung cấp thiết bị cho Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) giờ đây sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu riêng, theo yêu cầu từ Bộ Thương mại Mỹ.

Cổng trước nhà máy của SMIC tại Thượng Hải
Cổng trước nhà máy của SMIC tại Thượng Hải

SMIC là công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc mới nhất phải đối mặt với các hạn chế thương mại của Mỹ liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại bên cạnh gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies - vốn bị hạn chế quyền tiếp cận nguồn cung chip cao cấp do nằm trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

SMIC cho biết, họ chưa nhận bất kỳ thông báo chính thức nào về các hạn chế, đồng thời bác bỏ mọi quan hệ với quân đội Trung Quốc. Yêu cầu mới đối với SMIC không nghiêm trọng bằng việc bị đưa vào danh sách đen. Dù vậy, các công ty Mỹ cung cấp thiết bị sản xuất chip có thể phải xin giấy phép để vận chuyển một số hàng hóa nhất định đến SMIC.

Trung Quốc muốn “tự lập” về chất bán dẫn

Trong hai thập niên qua, Trung Quốc dần vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn về các lĩnh vực lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói thiết bị điện tử, nhưng hiện đang lạc hậu trong thiết kế và sản xuất các mạch tích hợp bán dẫn (chip) vốn đòi hỏi rất nhiều công nghệ tinh vi.

Trước số liệu cho thấy Trung Quốc chỉ tự sản xuất 16% số chất bán dẫn cần dùng trong nước vào năm 2019 và yêu cầu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, Bắc Kinh đã tăng cường sản xuất linh kiện bán dẫn nội địa trong những năm gần đây, đáng chú ý nhất là chính sách “Made in China 2025” cùng với các mục tiêu cụ thể hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tuy nhiên, quy mô dòng vốn được nhà nước hậu thuẫn vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc dễ dẫn đến mất cân bằng kinh tế. Mặt khác, việc tài trợ kết hợp với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ liên tục của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại toàn cầu về cách Bắc Kinh thực hiện tham vọng trong lĩnh vực công nghệ quan trọng, mang tính chiến lược này.

Thu hút nhân tài nước ngoài

Hiện tại, Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ là những nơi có các cơ sở sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới với phần lớn thiết bị chuyên dụng cần cho sản xuất do các công ty từ Nhật Bản và Mỹ cung cấp. Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nhà sản xuất chip hợp đồng tiên tiến và lớn nhất thế giới, với doanh thu đa phần đến từ việc cung cấp linh kiện bán dẫn tùy chỉnh cho hai nhà sản xuất điện thoại thông minh Apple và Huawei.

Ngược lại, Trung Quốc không có cơ sở sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu. Xưởng đúc hiện đại nhất của Trung Quốc chỉ bắt đầu sản xuất chip 14nm (nanomet) vào cuối năm 2019. Trong khi đó, TSMC sản xuất khối lượng lớn chip 7nm kể từ năm 2018 và dự kiến sẽ sản xuất đại trà chip 5nm vào cuối năm 2020.

Hiện ở Trung Quốc, nguồn nhân tài cạnh tranh toàn cầu về sản xuất chất bán dẫn còn hạn chế. Các công ty sản xuất của Trung Quốc đang tích cực thu hút nhân tài từ Đài Loan. Mức lương tại các công ty của Trung Quốc cao gấp 2-2,5 lần mức lương và thưởng trung bình ở Đài Loan.

Trong năm 2019, hơn 100 kỹ sư và quản lý giàu kinh nghiệm từ TSMC đã chuyển đến các xưởng đúc ở Trung Quốc. Ước tính, có hơn 3.000 kỹ sư đã chuyển từ Đài Loan sang các công ty ở đại lục, chiếm gần 10% lực lượng nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của Đài Loan. 

Trung Quốc hiện đang ở rất xa mục tiêu tự cung tự cấp và dẫn đầu toàn cầu trong ngành bán dẫn. Phân khúc sản xuất của ngành công nghiệp này ở Trung Quốc tụt hậu ít nhất hai thế hệ so với các nước dẫn đầu và phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài.

Tuy nhiên, Justin Hodiak và Scott W. Harold - hai nhà khoa học cấp cao về công nghệ, chính trị tại Tập đoàn phi lợi nhuận RAND (Mỹ) - cảnh báo, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi nhiều con đường để bắt kịp công nghệ sản xuất chất bán dẫn, tận dụng sự kết hợp của phát triển bản địa với các chương trình thu hút nhân tài nước ngoài, liên doanh, đánh cắp tài sản trí tuệ, hội nhập theo chiều dọc và nhiều phương pháp tiếp cận khác. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, The Diplomat)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI