Mỹ thuật hiện đại hay đương đại?

07/04/2022 - 15:04

PNO - Đó là vấn đề đang được tranh luận sau khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai trương không gian trưng bày mỹ thuật đương đại. Một số nhà chuyên môn cho rằng đã có sự nhầm lẫn khi phần lớn tác phẩm trưng bày thực ra thuộc mỹ thuật hiện đại.

Có thể gây ngộ nhận

Một không gian trưng bày mỹ thuật đương đại chính thức được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo thông tin trên website của bảo tàng, có hơn 60 tác phẩm mỹ thuật thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc… được sáng tác từ những năm 1980 đến nay, “đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam đương đại”. Các tác giả có thể kể ra: Nguyễn Bạch Đàn (1970 - 2012), Trịnh Bá Quát (1957), Lim Khim Katy (1978), Nguyễn Ngọc Thọ (1925 - 2016), Nguyễn Dương Đính (1957), Nguyễn Duy Ninh (1951), Dương Đăng Cẩn (1930 - 2012), Nguyễn Trung (1940)… 

Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn tỏ ra băn khoăn về việc xác định các tác phẩm mỹ thuật đương đại được trưng bày tại đây. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ: “Phần lớn các tác phẩm trưng bày ở đây đều thuộc mỹ thuật hiện đại. Tôi không rõ, bảo tàng căn cứ vào tiêu chí nào để gọi những tác phẩm này thuộc mỹ thuật đương đại”. Đồng quan điểm, nhà báo chuyên về lĩnh vực mỹ thuật Lý Đợi đặt câu hỏi: “Có thể, bảo tàng lấy mốc những tác phẩm sáng tác sau 1986 để gọi là tác phẩm đương đại chăng?”. Là nghệ sĩ, đồng thời là một nhà sư phạm, ông Nguyễn Thế Sơn nói: “Về mặt giáo dục nghệ thuật cho sinh viên, học sinh đến tham quan, nhầm lẫn này dễ gây ngộ nhận, hiểu lầm”. 

Một góc không gian trưng bày mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Một góc không gian trưng bày mỹ thuật đương đại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nhà báo Lý Đợi nhìn sự việc ở hai khía cạnh. Trước hết, đây là một nỗ lực đáng khen của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Lý do là nghệ thuật đương đại Việt Nam - trong đó có mỹ thuật - xứng đáng có một không gian riêng, một bảo tàng riêng. Trong điều kiện chưa lập được bảo tàng riêng, có một không gian riêng như vậy là điều hết sức đáng quý. Tuy nhiên, không gian và cơ chế hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thiên về hiện đại, tuyên truyền và truyền thống, không phải được thiết kế cho quan điểm về đương đại. Nhà báo Lý Đợi cho rằng: “Công chúng nên nhìn đây như một địa chỉ thể nghiệm cho đương đại. Để tương lai, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ có được một không gian đương đại thực sự và đúng nghĩa”. 

Khó phân định ranh giới 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dẫn các lập luận của các tác giả Bùi Như Hương và Trung Phạm và cho biết: “Thực tế, khái niệm đương đại hiện vẫn chưa được thống nhất và còn nhiều tranh luận trên thế giới”.

Tại Việt Nam, nghệ thuật bước sang hiện đại muộn và chậm hơn thế giới rất nhiều (từ thế kỷ XX); chưa kể, có thời gian dài bị đứt quãng do chiến tranh. Phải sau năm 1975, nhất là từ thời kỳ Đổi mới 1986, nghệ thuật nước ta mới có cơ hội phát triển. Lúc này, nghệ thuật Việt Nam cùng lúc trải nghiệm hai giai đoạn: tiếp tục phát triển nghệ thuật hiện đại, bước đầu xuất hiện các thể nghiệm đương đại từ giữa thập niên 1990. Vì vậy, “ở nước ta, khó thể phân định rạch ròi ranh giới giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật hiện đại dựa trên những con số của năm sáng tác, cũng như khó có thể đưa ra một công thức chung nhất để xác định”, đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói. 

Đại diện bảo tàng cũng dẫn lập luận của Viện Sau đại học về nghệ thuật của Pháp: “Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của hôm nay”, hiểu rộng hơn là gồm các tác phẩm nghệ thuật sáng tác cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Các tiêu chí được bảo tàng xác định để lựa chọn tác phẩm vào không gian trưng bày gồm: Tác phẩm được sáng tác từ sau năm 1980, chủ yếu là từ 1986; phản ánh những đề tài đương đại như: môi trường, di dân, đô thị hóa, công nghệ, ký ức, văn hóa, bản sắc tác phẩm có hình thức thể hiện và chất liệu mới. 

Tác phẩm “Con gái tôi và sợi dây hoa dại” (2003) của họa sĩ Nguyễn Quốc Hội.
Tác phẩm “Con gái tôi và sợi dây hoa dại” (2003) của họa sĩ Nguyễn Quốc Hội.

Không nên dùng tiêu chuẩn riêng 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bảo tàng quốc gia, chuyên ngành, tuy nhiên nhận định của bảo tàng liệu có thực sự thuyết phục? Một số nhà chuyên môn cho rằng có thể đúng, nếu xét ở tính lịch sử, nghệ thuật Việt Nam đi chậm hơn so với các nước; cũng có thể đúng với đối tượng tiếp cận là lớp công chúng cũ. Tuy nhiên, với một thế hệ công chúng trẻ, lớn lên trong bối cảnh toàn cầu hóa thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, so với trước đây, quan điểm về nghệ thuật đương đại ngày càng trở nên đầy đủ và dễ nhận diện hơn.

Nghệ thuật hiện đại thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1860 - 1970, đề cao sự thử nghiệm và đặt các truyền thống của quá khứ sang một bên, tiến ra khỏi việc tự sự - đặc điểm của các nghệ thuật truyền thống - hướng tới trừu tượng.

Nghệ thuật đương đại bắt đầu từ những năm 1970 với sự ra đời của thuật ngữ hậu hiện đại. Trong cuốn 50 câu hỏi mỹ học đương đại của Marc Jimenez (Nhà xuất bản Thế giới, Nhã Nam phát hành, do Phạm Diệu Hương dịch) có đoạn: “Nghệ thuật đương đại pha trộn các thực hành không đồng nhất, vừa có tính truyền thống, cổ điển, lẫn hiện đại và đương thời. Catherine Millet chỉ ra một cách đích xác, khái niệm nghệ thuật đương đại có lịch sử của nó, không thể tham chiếu về “nghệ thuật đang được tạo ra” như một số nghệ sĩ đề ra”. 

Hai thuật ngữ nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại diễn tả hai thời điểm sáng tạo khác nhau, hai lối tiếp cận khác nhau, với việc làm nghệ thuật và chức năng của nghệ thuật. Hiện sự mở rộng của các nguồn tham khảo, tài liệu qua nhiều kênh khác nhau đã giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận các kiến thức mới, các xu hướng của thế giới. Khi đó, sự “đứng lại” trong quan điểm, tư duy về mặt tiếp nhận vô hình trung lại cản trở nghệ thuật và thụ hưởng nghệ thuật đang trên đà phát triển. Chưa kể, bảo tàng là một điểm đến văn hóa, ngoài thưởng lãm các tác phẩm trưng bày ở đây, bảo tàng còn là nơi giáo dục nghệ thuật cho học sinh, sinh viên. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến đây tham quan cũng không phải là ít. Việc lấy tiêu chuẩn riêng (do điều kiện lịch sử chi phối) để áp dụng cho một điều không hề xa lạ trên thế giới, liệu có phù hợp?

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, mỹ thuật cũng như một ngành khoa học bất kỳ khác, muốn tiếp cận phải có lý thuyết. Nhưng hơn 20 năm nay, ở nước ta không có lý luận phê bình mỹ thuật, hoặc nếu có cũng rất kém. Chưa kể, các giáo trình mỹ thuật ở các trường đào tạo nghệ thuật cũng mới chỉ dừng lại ở những năm 1950 - 1960. Việc phổ biến kiến thức về mỹ thuật đương đại nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung vẫn còn nhiều hạn chế.

Đậu Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI