Mỹ thuật “bắt tay” với du lịch,tại sao không?

16/10/2024 - 07:42

PNO - Mỹ thuật là 1 trong 8 lĩnh vực được TPHCM phê duyệt trong đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030. Thị trường mỹ thuật TPHCM đang rất sôi động, nhiều tiềm năng, hoàn toàn có thể hợp tác với du lịch để cùng phát triển.

Triển lãm nở rộ

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM - số lượng triển lãm tổ chức tại TPHCM trong thời gian qua tăng nhanh. Trung bình mỗi năm có hơn 200 cuộc triển lãm và con số này có thể còn tăng thêm trong thời gian tới. Riêng tại không gian của Hội Mỹ thuật TPHCM, số lượng triển lãm đăng ký tổ chức đã kín tới năm 2027. Điều này phần nào thể hiện sự sôi động của thị trường mỹ thuật tại TPHCM.

Trước sự gia tăng về số lượng triển lãm lẫn chất lượng tác phẩm, chưa kể không gian trưng bày cũng có sự đầu tư, nhiều người làm trong lĩnh vực mỹ thuật nghĩ đến hướng kết hợp cùng du lịch để quảng bá mỹ thuật Việt Nam đến du khách quốc tế. Hướng đi này hoàn toàn khả thi khi nhìn vào những con số thống kê lượng khách du lịch quốc tế đến tham quan tại Bảo tàng Mỹ thuật. Năm 2018, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đón hơn 123.000 lượt khách du lịch quốc tế. Sau dịch bệnh, từ năm 2022 trở lại đây, lượng khách du lịch quốc tế đến tham quan tiếp tục tăng mạnh.

Số lượng và chất lượng các triển lãm mỹ thuật tại TPHCM tăng nhanh trong những năm gần đây.  Trong ảnh: Khách thưởng lãm tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM
Số lượng và chất lượng các triển lãm mỹ thuật tại TPHCM tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong ảnh: Khách thưởng lãm tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM), nếu nhiều khách trong nước đến Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM để xem kiến trúc, chụp hình check-in thì du khách quốc tế muốn chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ. Sự khác biệt trong nhu cầu đặt ra yêu cầu là các đơn vị trưng bày phải chọn lựa tác phẩm, bài trí không gian sao cho bắt mắt, sáng tạo. Ông Huỳnh Quốc Thắng cho biết, tại TPHCM, ngoài hệ thống bảo tàng công lập, các bảo tàng dân lập - trong đó có Bảo tàng Quang San - đang thu hút rất đông du khách. Ông cho rằng, các bảo tàng tư nhân có cách làm rất hiện đại với đội ngũ trẻ, có thể phối hợp rất tốt với các công ty du lịch. Hiện nay, tín hiệu đáng mừng là những đơn vị lữ hành cũng đã bắt đầu đặt vấn đề phối hợp với các địa điểm tổ chức triển lãm để đưa khách đến tham quan.

Ngoài các triển lãm tranh, nhắc đến mỹ thuật TPHCM, phải kể đến một hệ thống không gian mỹ thuật công cộng, hệ thống tượng đài, các sản phẩm mỹ thuật công nghiệp như áp phích quảng cáo… Để có thể tạo ra một không gian mỹ thuật hiện đại có bản sắc, thẩm mỹ phù hợp với một đô thị năng động và cũng nhiều “trầm tích” văn hóa như TPHCM, các chuyên gia mỹ thuật cho rằng, cần có quy hoạch phù hợp. Từ đó, khi bắt tay với du lịch, 2 ngành sẽ dễ dàng lựa chọn được những điểm đến phù hợp, đưa ra các lựa chọn trải nghiệm đáng nhớ cho du khách. Nếu không sớm bắt tay thực hiện, ông Nguyễn Xuân Tiên hay Huỳnh Quốc Thắng đều cho là sẽ đáng tiếc, bỏ lỡ tiềm năng sẵn có.

Đi từ chi tiết nhỏ nhất

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, nhà nghiên cứu Lý Đợi cho biết, nếu mỗi năm, điện ảnh đạt doanh thu khoảng 4.500 tỉ đồng (con số đã được công bố trên các nền tảng) thì riêng với mỹ thuật, doanh thu có thể đạt đến khoảng gần 3.000 tỉ đồng. Con số này được ông ước lượng dựa trên quan sát sự xuất hiện của tranh Việt Nam ở thị trường quốc tế và trong nước, tham vấn từ những người sành sỏi trong thị trường. Việt Nam đang có khoảng 500 họa sĩ vẽ, bán tranh và trong đó có những họa sĩ bán tranh rất tốt. Từ đó, ông cho rằng, việc đưa mỹ thuật vào đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 là hoàn toàn phù hợp, thậm chí rất tiềm năng.

Các gallery có thể trở thành địa điểm tham quan cho du khách quốc tế tới TPHCM - Ảnh: Diễm Mi
Các gallery có thể trở thành địa điểm tham quan cho du khách quốc tế tới TPHCM - Ảnh: Diễm Mi

8 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang. Trong đó, mỹ thuật, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang đều có sự liên quan. Nếu xét riêng mỹ thuật và du lịch, 2 lĩnh vực này lại càng tiệm cận, có thể bắt tay để đôi bên cùng có lợi. Du khách có thêm địa điểm để trải nghiệm khi tới TPHCM. Mỹ thuật cũng có cơ hội tiếp cận du khách quốc tế ngay tại “sân nhà”, từ đó có thể mua bán hoặc chí ít là giới thiệu tài năng của họa sĩ Việt và con người, văn hóa Việt thông qua hội họa. Tuy nhiên, làm sao để kết hợp hiệu quả là câu chuyện đáng bàn.

Ông Huỳnh Quốc Thắng nói: muốn phát triển toàn diện cần đi từ những chi tiết nhỏ nhất. “Trước đây, từ thời họa sĩ Uyên Huy làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật, chúng tôi đã ngồi bàn với nhau rất lâu về việc thiết kế một món quà lưu niệm đặc trưng cho du khách toàn thế giới khi đến với TPHCM. Thiếu quà lưu niệm mang dấu ấn địa phương là vấn đề mà nhiều tỉnh thành cũng gặp phải, nhưng nếu không đi từ những chi tiết nhỏ như thế, cũng rất khó để thay đổi toàn diện” - ông nói.

Ngoài ra, nếu xác định muốn tăng trải nghiệm cho du khách, tại các điểm đến như gallery hay chính các xưởng vẽ của họa sĩ, có thể mở các lớp dạy vẽ cấp tốc cho du khách, kèm theo các hoạt động âm nhạc, ẩm thực… Cùng với đó, việc nâng chất lượng của các địa điểm, nhân sự phục vụ của ngành cũng rất cần thiết khi xác định hợp tác với du lịch. Để tránh việc phát triển không đồng bộ, khi xác định “bắt tay”, những chiến lược hợp tác cụ thể cần được trao đổi, ký kết. Chính khi hợp tác giữa các lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa TPHCM mới có động lực phát triển, đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI