Mỹ tập trận chung với các nước ASEAN tại Biển Đông và Vịnh Thái Lan

04/09/2019 - 12:00

PNO - Cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên giữa ASEAN và Mỹ (AUMX) kéo dài trong năm ngày, bắt đầu từ ngày 2/9.

Tám tàu ​​chiến, 8 máy bay cùng hơn 1.000 binh lính từ Mỹ và 10 quốc gia Đông Nam Á tham gia các cuộc tập trận trải từ vịnh Thái Lan đến Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh với các quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông, bao gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines.

My tap tran chung voi cac nuoc ASEAN tai Bien Dong va Vinh Thai Lan
Hải quân Philippines chuẩn bị lên đường tập trận cùng các nước ASEAN và Mỹ - Ảnh: EPA

Theo tuyên bố từ Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, các cuộc tập trận sẽ được thực hiện dưới sự dẫn dắt của hải quân Mỹ và Hoàng gia Thái Lan, trên vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á, bao gồm vịnh Thái Lan và Biển Đông, trước khi kết thúc ở Singapore. Đô đốc Joey Tynch - chuyên gia giám sát hợp tác an ninh của hải quân Mỹ ở Đông Nam Á - cho biết: “AUMX giúp xây dựng tiêu chuẩn an ninh hàng hải lớn hơn, dựa trên sức mạnh của ASEAN, sức mạnh từ kết nối hải quân đa phương, cũng như sức mạnh của niềm tin chung về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Tuy vậy, các cuộc tập trận chung vẫn vấp phải sự chỉ trích khi có sự hiện diện của hải quân Myanmar, theo một chương trình hòa nhập hiếm hoi, dù Washington đang áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này, vì vai trò trong cuộc khủng hoảng Rohingya. Mười thành viên của ASEAN sẽ tham gia các cuộc tập trận bao gồm việc đổ bộ lên tàu mục tiêu để mô phỏng quy trình tìm kiếm và thu giữ.

Các cuộc tập trận chung diễn ra khi tàu khảo sát của Trung Quốc vẫn ở trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, khiến Lầu Năm Góc cáo buộc Bắc Kinh vi phạm trật tự, luật pháp quốc tế trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong chuyến tới Thái Lan tháng 8/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á cùng nhau đẩy lùi, chống lại sự ép buộc của Trung Quốc trên biển. Đô đốc Kenneth Whitesell cho biết, cuộc tập trận đa phương thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở - động thái mà Washington đang thúc đẩy để chống lại việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu Á. Mỹ cáo buộc Trung Quốc có hành vi bắt nạt và gần đây Mỹ đã cho một tàu sân bay đi qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, trong khuôn khổ một loạt các chương trình thể hiện sức mạnh quân sự mà Washington gọi là tự do hoạt động hàng hải.

Đô đốc Kenneth Whitesell nói: “Chúng tôi đến Ấn Độ - Thái Bình Dương để ở lại. Lời hứa của tôi là chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với tất cả các quốc gia có chung sự tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng như củng cố tầm nhìn về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI