Mỹ Tâm vi phạm tác quyền: Công bằng thì công lý sẽ đến

22/02/2017 - 11:30

PNO - Từ những lời trần tình của Mỹ Tâm, thực trạng bản quyền tại Việt Nam đã bị phơi bày đầy tệ hại.

Vụ tranh cãi bản quyền quanh ca khúc Anh thì không (nhạc: Michel Mallory, lời: Xuân Hùng) và Búp bê không tình yêu (Poupée de cire, poupée de son; nhạc: Serge Gainsbourg, lời: Xuân Hùng) giữa ca sĩ Mỹ Tâm và nhạc sĩ (NS) Vũ Xuân Hùng hiện đã có thể tạm khép lại khi Mỹ Tâm tự quay clip giải trình và có lời xin lỗi NS trong đêm 19/2. Theo đó, Mỹ Tâm sẽ không sử dụng phần lời Việt của Xuân Hùng nữa mà đặt hàng một tác giả khác làm phần lời Việt mới cho cô để tiếp tục làm clip, phát hành. Bản Anh thì không đã đưa lên mạng hiện đã bị ẩn đi. Những vướng víu còn lại sẽ được xử lý theo pháp luật.

Dù vậy, từ những lời trần tình của Mỹ Tâm, thực trạng bản quyền tại Việt Nam đã bị phơi bày đầy tệ hại. Như cô giải thích “từ ngày nhỏ đến lớn, Tâm đã nghe bài này nên cứ nghĩ rằng bài này xưa quá rồi”. Cô không biết (về nguyên tắc, một người trưởng thành không được phép nói không biết luật), hay nói chính xác hơn là cô đã không buồn để ý - như lời cô - “Tâm cứ làm mà chẳng để ý đến tác quyền” rằng thời hiệu bảo hộ cho một tác phẩm kéo dài đến 50 năm sau khi tác giả qua đời. 

My Tam vi pham tac quyen: Cong bang thi cong ly se den
Mỹ Tâm trong MV Anh thì không

Trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả như bản Anh thì không và Búp bê không tình yêu thì thời hạn bảo hộ là 50 năm sau khi tác giả cuối cùng qua đời. Ở đây, cả Mallory lẫn NS Xuân Hùng đều còn sống nên đương nhiên hai tác phẩm vẫn đang được bảo hộ theo luật. Chưa kể việc Mỹ Tâm ghi tên tác giả bản Anh thì không là ca sĩ Catherine Deneuve là một vi phạm khác về bản quyền đối với Michel Mallory, bởi quyền nhân thân của tác giả được bảo hộ vĩnh viễn.

Tâm “không để ý”. Tâm sai. Tâm nhận. Tâm xin lỗi. Tạm thời như thế đã là hành xử văn minh. Điều bất ngờ trong clip giải trình của Mỹ Tâm là chi tiết NS Lê Quang đã “sửa một vài chữ” trong bài Búp bê không tình yêu (lời Việt cũng của NS Vũ Xuân Hùng) và “ghi tên ở vị trí sáng tác”. Nếu nói theo lý giải của Mỹ Tâm, do “thời điểm đó các NS hải ngoại không được xin phép tại Việt Nam”, nên phải chăng vì biết luật nên Lê Quang tìm cách lách luật bằng phạm luật?

Còn nhớ, trong vụ vi phạm bản quyền ca khúc Chuyện tình dang dở, vốn là sáng tác của NS Mộng Long, bị NS Vinh Sử chiếm đoạt - ký tên mình, đổi cả tên ca khúc thành Thôi em hãy về đi để phát hành; khi được hỏi, ông Vinh Sử cũng giải thích “Hồi ổng (NS Mộng Long - PV) đi nước ngoài tôi mới lấy ký tên tôi để phát hành. Nhưng khi ổng về nước thì tôi đã trả lại ổng rồi”.

Những sự lừa dối không thể che giấu mãi. Giờ đây, khi sự thực đã lộ diện, những khoản tiền từng thu được trong nhiều năm sẽ giải quyết ra sao? Cần biết rằng, mỗi một triệu lượt xem trên YouTube sẽ mang về cho chủ sở hữu video khoảng 2.000 USD. Vấn đề là Mỹ Tâm sẽ trích khoản thu từ hơn ba triệu lượt xem bản Anh thì không để trả cho NS Xuân Hùng hay không, vẫn chưa hạ hồi phân giải.

My Tam vi pham tac quyen: Cong bang thi cong ly se den

Cuộc sống luôn tiếp biến. Ngoài chuyện “trả lại tên cho em”, đảm bảo quyền nhân thân của tác giả thì bài toán kinh tế phía sau những vụ tranh chấp bản quyền cũng cần được xử lý. Trước nay, các tác giả vẫn có thói quen mua đứt bán đoạn những đứa con tinh thần của mình - nhận một khoản tiền cố định để giao quyền sử dụng cho người mua trong các lĩnh vực cụ thể (sản xuất bản đĩa, làm karaoke, nhạc chờ, phát hành lên mạng...).

Đây là cách làm đã thuộc vào loại cổ xưa giữa thời đại kỹ thuật số. Khi một tác phẩm được đưa lên YouTube, với số lượt xem lớn, tác giả sẽ là người bị thiệt vì tác phẩm đã được định giá quá rẻ. Ngược lại, nếu tác phẩm lèo tèo người xem, nghệ sĩ sẽ bị thiệt vì khoản thu không đủ bù chi. Thế giới hôm nay đã tính tiền tác quyền dựa trên số lượng phát hành (băng đĩa, lượt tải) hoặc lượt xem.

Nhiều năm trước, các NS như Đức Trí, Võ Thiện Thanh... cũng đã tiên phong áp dụng hình thức này và gặp phải một số phản ứng. Dù vậy, như các anh nói - đó là cách tính công bằng cho các bên. Nếu chẳng may ca khúc không được đón nhận, rủi ro chia đều cho cả tác giả lẫn nghệ sĩ. Nếu ca khúc thành công cả hai bên đều hưởng lợi.

Ai cũng muốn mình hưởng lợi nhiều nhất với chi phí thấp nhất. Nhưng một phương án tính phí công bằng cho các bên sẽ đảm bảo được khả năng phát triển bền vững cho thị trường âm nhạc chứ không phải kiểu chụp giật, mạnh được yếu thua, ai cãi hăng thì thắng hoặc kiểu chây ì không trả tiền chờ đến lúc sự việc chìm xuồng. Cũng đã đến lúc các NS nên tính toán lại phương hướng làm ăn của mình và thôi chuyện vừa ủy thác cho VCPMC thu phí vừa lẳng lặng bán riêng tác phẩm để “lãnh một cục tiền”, đến khi phát sinh vấn đề thì lại kêu đòi “công lý”. Công lý sẽ không đến khi ta chưa minh bạch, rạch ròi và chưa ứng xử văn minh với nhau.

Hoàng Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI