Mỹ sốt vó khi Úc cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Darwin

24/03/2016 - 16:39

PNO - Bất chấp những lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc, Úc cho Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm.

Theo New York Times ngày 21/3, chính quyền lãnh thổ phía Bắc của Úc đã cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin với giá chỉ hơn 500 triệu AUD (khoảng 360 triệu USD) trong 99 năm.

My sot vo khi Uc cho Trung Quoc thue cang chien luoc Darwin
Cảng Darwin có vị trí chiến lược

Darwin là một cảng nhỏ, nhưng có giá trị chiến lược rất lớn trong chính sách xoay trục của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương giờ đây lại nằm trong kiểm soát của một công ty tư nhân có quan hệ rất gần gũi với Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Được biết, công ty này ra giá cao hơn những đối thủ khác đến 20%, về việc này giới chức Mỹ xem là một động thái chiến lược được Bắc Kinh bảo trợ

Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), ông Peter Jennings cho rằng, việc thuê cảng Darwin là một cơ hội tuyệt vời để Trung Quốc có thể thu thập thông tin tình báo về quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng thủy quân lục chiến. Khi mà gần cảng Darwin đang có một doanh trại với 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân.

Trước đó, tổng thống Mỹ Barack Obama đã trách móc Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương ở Manila vào tháng 11/2015, ông Obama cho rằng, lẽ ra ông phải được thông báo sớm hơn về thỏa thuận này.

Tuy nhiên, trong nội dung sách lược quốc phòng 10 năm được chính phủ Thủ tướng Malcolm Turnbull công bố hồi đầu tháng 2. Úc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% của tổng sản phẩm quốc nội (tương đương 58 tỉ AUD) từ nay đến năm 2023 để bảo vệ lợi ích của nước này và các đồng minh trước sự bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Con số này trong tài khóa hiện nay là 32 tỉ AUD.

Theo Reuters, ngân sách quốc phòng của Úc dự kiến tăng lên 195 tỉ AUD (khoảng 140 tỉ USD) vào năm 2021 hoặc 2022.

Gần đây nhất, trong một phát biểu ở Sydney ngày 23/3 Thủ tướng Malcolm Turnbull đã chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng nó không có ý nghĩa gì, ngược lại còn phản tác dụng về mặt pháp lý. Đây được xem là lời chỉ trích nặng nề nhất mà người đứng đầu chính phủ Úc từng đưa ra đối với đối tác thương mại lớn nhất của Canberra.

Thị trường Trung Quốc chiếm đến 80% giá trị của tất cả các loại tăng trưởng xuất khẩu ở Úc năm 2013-2014, đè bẹp mọi đối tác thương mại lớn khác, gấp 10 lần so với Nhật Bản, hay Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, phần lớn giá trị này nhờ vào xuất khẩu tài nguyên nặng dẫn đến việc, vào cuối năm 2015, thời điểm tốc độ tăng trưởng và nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc giảm đã đẩy nước Úc vào giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, ngày 29/3/2015 Chính phủ Úc đã tuyên bố sẽ tham gia ngân hàng AIIB (Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á), một ngân hàng do Trung Quốc sáng lập nhằm đối trọng với IMF, bất chấp rủi ro và năng lực quản trị của ngân hàng này.

Như vậy, Úc đang phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng các mối quan hệ giữa Trung Quốc, đóng vai trò là đối tác thương mại lớn nhất và Mỹ với tư cách là đồng minh chính trị, quân sự gần gũi nhất.

Hoàng Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI