Mỹ: Số trẻ mắc bệnh tiểu đường tăng mạnh trong đại dịch

26/08/2022 - 17:54

PNO - Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã ghi nhận sự gia tăng mạnh số trường hợp mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ em nước này trong đại dịch COVID-19.

 

Các bậc cha mẹ cũng nên đưa con đến gặp bác sĩ để được khám tầm soát và tư vấn khi trẻ có hiện tượng tăng cân
Trẻ cần được khám tầm soát bệnh khi có hiện tượng tăng cân

Trong một báo cáo được công bố ngày 17/8 trên Tạp chí Nhi khoa, các nhà nghiên cứu cho biết chưa rõ việc bị nhiễm COVID-19 có phải là một yếu tố dẫn đến sự gia tăng hay này không. Tuy nhiên, việc chuyển sang hình thức học trực tuyến tại nhà, và ngừng tham gia các hoạt động thể thao, các hoạt động gắn liền với môi trường bên ngoài cũng có khả năng làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường ở học sinh.

Sheela N. Magge - phó giáo sư nhi khoa tại Trường Y khoa thuộc Đại học Johns Hopkins và là thành viên của nhóm nghiên cứu - giải thích: “Trong thời gian phải hạn chế đi lại do COVID-19, trẻ em đã phải ngưng nhiều hoạt động hàng ngày như đi học, chơi thể thao và các sở thích khác. Các em không chỉ ít hoạt động thể chất hơn mà còn bị buộc phải ở nhà nhiều hơn, từ đó dành nhiều thời gian hơn để xem tivi, chơi trò chơi điện tử hoặc sử dụng các thiết bị điện tử khác”.

Bệnh tiểu đường loại 2 là một rối loạn mãn tính ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh, sử dụng và xử lý đường của cơ thể. Nếu không được điều trị và kiểm soát, nó có thể gây ra bệnh tim, tổn thương thần kinh và thận, suy giảm thị lực và các tổn thương không thể phục hồi khác cho các cơ quan.

Mặc dù bệnh thường xảy ra ở người lớn, ước tính 1/3 thanh niên Mỹ hiện được coi là có nguy cơ vì thừa cân và béo phì. Bà Magge cho biết, nghiên cứu trước đây từ các tổ chức khác đã chỉ ra rằng trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có vẻ phát triển các biến chứng nhanh hơn so với người lớn.

Trong nghiên cứu mới, được thực hiện với sự hợp tác của Đại học Y khoa Colorado, các tác giả đã so sánh tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 mới khởi phát ở những người từ 8-21 tuổi trong 2 năm trước đại dịch với tỷ lệ tương tự trong năm đầu tiên của đại dịch.

Trong cả hai giai đoạn này các nhà nghiên cứu đã xác định được tổng 3.113 bệnh nhân mắc bệng tiểu đường loại 2 ở độ tuổi 8-21 tuổi, từ 24 trung tâm y tế trên khắp nước Mỹ. Số trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mới trung bình mỗi năm trong 2 năm trước đại dịch là 825. Nhưng trong năm đầu tiên của đại dịch con số này đã tăng lên 1.463, tương đương tốc độ tăng 77%.

Trong năm đầu tiên của đại dịch, các hồ sơ cho thấy nhiều trẻ em trai (55%) được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn trẻ em gái (45%), một xu hướng ngược lại với những năm trước đại dịch.

“Đây là một trong những phát hiện bất thường từ nghiên cứu của chúng tôi. Thông thường, chúng tôi thấy nhiều bé gái hơn bé trai được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường loại 2, mặc dù không rõ tại sao”, Risa Wolf - bác sĩ nội tiết nhi, phó giáo sư nhi khoa tại Trường Y khoa thuộc Đại học Johns Hopkins, thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 21% thanh niên mắc bệnh tiểu đường loại 2 được chẩn đoán mắc chứng “mất chức năng trao đổi chất”, trong đó các triệu chứng nghiêm trọng nhất là nôn mửa, hôn mê, lú lẫn và thở nhanh.

Trước đại dịch, các triệu chứng như vậy chỉ xảy ra ở 9% trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 2 mới khởi phát.

Bởi vì nghiên cứu liên quan đến việc xem xét lại các hồ sơ y tế, các tác giả cho biết có khả năng xảy ra sự mâu thuẫn trong báo cáo hoặc thiếu thông tin. Tuy nhiên, họ nói rằng những phát hiện này cho thấy các bác sĩ nhi khoa cần phải cảnh giác trong việc tầm soát bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ em.

“Chúng ta cần đảm bảo xác định bệnh nhân sớm để có thể can thiệp điều trị và ngăn ngừa các biến chứng. Các bậc cha mẹ cũng nên đưa con đến gặp bác sĩ để được khám tầm soát và tư vấn khi trẻ có hiện tượng tăng cân. Song song đó, cần hướng trẻ vào việc thường xuyên tập thể dục và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh”, bác sĩ Wolf khuyên.

Nhất Nguyên (theo The Hub)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI