Mỹ “sơ tán” thủy thủ khi COVID-19 bùng phát trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt

02/04/2020 - 10:54

PNO - Hải quân Mỹ cho biết gần 3.000 thủy thủ sẽ rời tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lên bờ trước ngày 3/4 để cách ly, sau khi dịch COVID-19 bùng phát trên tàu.

Hình ảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo đậu ngoài khơi vịnh Manila của Philippines, hiện nay con tàu đã cập cảng Guam để cách ly các ca lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: AP
Hình ảnh tàu sân bay USS Theodore Roosevelt neo đậu ngoài khơi vịnh Manila của Philippines. Hiện con tàu đã cập cảng Guam để cách ly các ca lây nhiễm COVID-19 - Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết, mặc dù chưa đến 100 người trong số gần 5.000 thủy thủ của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt - hiện thả neo ở đảo Guam (Mỹ) - xét nghiệm dương tính với virus, nhưng hải quân bắt đầu di chuyển các thủy thủ đến nhiều cơ sở khác nhau để cách ly. Lãnh đạo hải quân Mỹ đang làm việc với chính quyền đảo Guam để nhận phòng (cách ly) cho các thủy thủ.  

Tuy nhiên, Quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly cũng nói rõ là trong khi vài ngàn người rời tàu, các thủy thủ khác sẽ ở lại trên tàu sân bay để tiếp tục bảo vệ tàu và duy trì các hệ thống quan trọng.

Ông Mod Modly nói với phóng viên Lầu Năm Góc rằng họ không thể đưa toàn bộ thủy thủ rời tàu. Phương châm là đưa càng nhiều thủy thủ lên bờ càng tốt, nhưng vẫn phải duy trì sự an toàn của con tàu. Ông cho biết khoảng 1.000 người đã rời tàu và con số đó sẽ tăng lên ít nhất 2.700 người trong vài ngày tới.

Mặc dù đa số thủy thủ lên bờ, một số người sẽ ở lại để duy trì sự an toàn của tàu sân bay
Mặc dù đa số thủy thủ lên bờ, một số người sẽ ở lại để duy trì sự an toàn của tàu sân bay

Cả Bộ trưởng Modly cũng như Đô đốc Michael Gilday - người đứng đầu các hoạt động của hải quân - đều từ chối cho biết con tàu sẽ tạm dừng các nghiệm vụ tác chiến trong bao lâu, nhưng nếu các thành viên thủy thủ đoàn được yêu cầu cách ly 14 ngày, thì tàu Roosevelt có thể “ngưng hoạt động” trong nhiều tuần.

Lãnh đạo hải quân Mỹ cũng cho biết họ đang cố gắng xác định các thủy thủ đã tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh và đưa họ đi cách ly. Được biết, gần 1.300 thủy thủ đã được xét nghiệm và tính đến ngày 1/4, gần 600 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện các quan chức tiếp tục chờ thêm kết quả và thực hiện các xét nghiệm mới.

Thuyền trưởng Brett Crozier tuần này đã đưa ra cảnh báo dưới dạng một bản ghi nhớ cho các chỉ huy trên tàu. Ông nói rằng con tàu đang đối mặt với sự bùng phát mạnh mẽ của COVID-19 và ông "đã xin phép cấp trên cho cách ly phần lớn thủy thủ của mình trên bờ” - một động thái bất thường khi đưa một tàu sân bay ra khỏi nhiệm vụ để dồn sức cứu người.

Tàu sân bay, giống như các tàu khác của hải quân, rất dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dài hơn 305 mét. Thủy thủ sinh hoạt và làm việc trải rộng trong một mê cung các tầng được liên kết bởi các bậc thang dốc và hành lang hẹp. Các thủy thủ ăn uống trong các nhà ăn đông đúc, ngồi bên các bàn ăn nối dài.

Một hậu duệ của Tổng thống Theodore Roosevelt - người được lấy tên đặt cho tàu sân bay - cũng lên tiếng kêu gọi hải quân nhanh chóng đưa thủy thủ rời khỏi tàu lên bờ cách ly. Trong khi đó, các lãnh đạo hải quân Mỹ phải đối mặt với câu hỏi dai dẳng về nguồn gốc của virus trên tàu, nhưng họ cho biết có thể không xác định được nơi nó bắt đầu.

Bộ trưởng Modly cho biết có 94 tàu hải quân được triển khai trên các vùng biển khắp thế giới. Trong số đó, tàu USS Theodore Roosevelt là tàu duy nhất có thủy thủ xét nghiệm dương tính với COVID-19. 

Hòa Ninh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI