Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga tại châu Á - Thái Bình Dương

06/06/2016 - 15:55

PNO - "Đối với những đóng góp của họ (Nga) trong khu vực này, tôi nghĩ rằng về nguyên tắc họ có thể làm nhiều hơn nữa." Bộ trưởng Quốc phòng Carter nói

My san sang hop tac voi Nga tai chau A - Thai Binh Duong
Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga tại châu Á - Thái Bình Dương

Theo Sputnik, ông  Ashton Carter đã có bài phát biểu hôm thứ Bảy tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh về an ninh châu Á tại Singapore, mang tên Shangri-La, với sự tham dự của các quan chức quân sự và an ninh cấp cao của toàn khu vực.

"Nga là một thế lực trên Thái Bình Dương, và có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Carter nói trong bài phát biểu của ông tại Lầu Năm Góc vào ngày 5/6. "Đối với những đóng góp của họ (Nga) trong khu vực này, tôi nghĩ rằng về nguyên tắc họ có thể làm nhiều hơn nữa."

Ông nhấn mạnh rằng, mặc dù Washington và Moscow còn tồn tại nhiều mâu thuẫn về vấn đề EU và Trung Đông. Tuy vậy họ cũng đã có những tiếng nói chung với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.

"Chúng tôi rất hân hạnh được làm việc với Nga. Có thể Nga sẽ là một phần trong mạng lưới an ninh của châu Á. Tôi hy vọng điều này sẽ sớm trở thành hiện thực.", Carter nói

Ông Carter cho rằng, một mạng lưới an ninh được mở rộng ra toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được phát triển, trong đó mạng lưới an ninh ASEAN trở thành trung tâm bao gồm các quốc gia Đông Nam Á.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh, Washington cam kết về việc đảm bảo nguyên tắc của mạng lưới an ninh này. Đồng thời đây cũng là đại diện cho làn sóng tiếp theo trong việc đảm bảo an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đảm bảo an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở đây xoay quanh nhiều đến vấn đề tranh chấp trong khu vực biển Đông. Việc Trung Quốc đẩy mạnh việc quân sự hóa biển Đông và hoạt động cải tạo đảo, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực đang làm dấy lên mối lo ngại về an ninh tại vùng biển này sẽ bị đe dọa.

Song song với động thái trên của Washington, ngày 4/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo rằng, việc bồi đắp và xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên các đảo đá tranh chấp với Philippines sẽ thúc đẩy “hành động” từ phía Mỹ và các nước khác.

Cụ thể, “ở Biển Đông, Trung Quốc có những hành động bành trướng ở mức chưa có tiền lệ, gây quan ngại về ý đồ chiến lược của nước này”. Chính vì vậy, “nhiều quốc gia khắp khu vực đã có hành động và lên tiếng quan ngại công khai hoặc riêng tư, ở cấp cao nhất, ở các cuộc họp khu vực và diễn đàn quốc tế”.

Theo ông Carter, “hệ quả tất yếu là các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm cô lập quốc gia này, ở thời điểm cả khu vực đang hướng vào nhau, bện vào nhau. Nếu các hành động như trên cứ tiếp diễn, Trung Quốc có thể rơi vào thế tự dựng Vạn Lý Trường Thành để giam mình”.

Đáp trả lại tuyên bố của Mỹ tại Shangri-La, Đô đốc Tôn Kiến Quốc ám chỉ Mỹ và nhận xét rằng mọi rắc rối trên Biển Đông đều do sự “khiêu khích” của các nước khác.

“Các nước bên ngoài nên đóng một vai trò mang tính xây dựng đối với vấn đề này, chứ đừng làm theo cách khác. Biển Đông đã nóng lên hơn trong thực tế cũng vì hành động khiêu khích của một số nước nào đó đang hành động ích kỷ vì lợi ích của họ”, ông Tôn Kiến Quốc nói.

Ông ta cũng nói thêm rằng "Trung Quốc sẽ không tự cô lập mình".

Thêm vào đó, bản thân Trung Quốc luôn muốn kéo Nga về phía mình trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông giống như một điểm tựa vững chắc, dựa vào sự đối trọng của Nga và Mỹ trong nhiều vấn đề liên quan.

Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị vào cuối tháng 4, ngoại trưởng Nga cũng đã thể hiện sự ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng, những nước không liên quan tới tranh chấp như Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông.

Cũng tại cuộc hội đàm với Lavrov tại Moscow cách đó không lâu vào ngày 18/4, ông Vương Nghị cũng từng nhấn mạnh rằng hai nước phản đối quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương giữa các bên liên quan.

Nga thể hiện quan điểm ủng hộ Trung Quốc về vấn đề giải quyết tranh chấp bằng biện pháp song phương còn Mỹ lại không hề muốn điều đó xảy ra.

Chính vì vậy, Mỹ chấp nhận xuống nước khi trực tiếp thừa nhận, Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời cũng là để nhấn mạnh rằng, Nga nên nhìn nhận lại việc ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Ngọc Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI