Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới

21/01/2025 - 10:27

PNO - Các chuyên gia y tế công cộng cho biết việc ông Donald Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới sẽ làm suy yếu vị thế của quốc gia này với tư cách là một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu, và khiến việc chống lại đại dịch tiếp theo trở nên khó khăn hơn.

Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP - Getty Images
Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: Fabrice Coffrini/AFP - Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hành động nhanh chóng vào ngày đầu nhiệm kỳ để rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)

Trong một lệnh hành pháp được ban hành khoảng 8 giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã nêu ra một loạt lý do cho việc rút lui, bao gồm cả việc "xử lý sai đại dịch COVID-19" của WHO và "không thông qua các cải cách cấp thiết". Ông cho biết cơ quan này yêu cầu "các khoản thanh toán quá nặng nề" từ Mỹ.

Động thái này không mấy bất ngờ. Ông Trump đã chỉ trích WHO kể từ năm 2020, khi ông tấn công cơ quan này về cách tiếp cận của họ đối với đại dịch và đe dọa sẽ cắt nguồn tài trợ của Mỹ. Vào tháng 7/2020, ông Trump đã thực hiện các bước chính thức để rút khỏi cơ quan quốc tế này.

Nhưng sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, mối đe dọa đã không thành hiện thực. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ngày 20/1/2021, cựu Tổng thống Joseph R. Biden Jr. đã chặn kế hoạch của ông Trump.

Việc rời khỏi WHO có nghĩa là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ không có quyền truy cập vào dữ liệu toàn cầu mà cơ quan này cung cấp.

Gần đây hơn, WHO đã trở thành mục tiêu công kích của nhóm người bảo thủ, sau khi cơ quan thúc đẩy một "hiệp ước đại dịch" nhằm tăng cường khả năng chuẩn bị ứng phó với đại dịch và đặt ra các chính sách ràng buộc về mặt pháp lý cho các quốc gia thành viên về giám sát mầm bệnh, chia sẻ nhanh chóng dữ liệu về dịch bệnh, cũng như xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng tại địa phương cho vắc-xin và phương pháp điều trị.

Các cuộc đàm phán về hiệp ước đã bị phá vỡ vào năm 2024. Tại Mỹ, một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa coi thỏa thuận này là mối đe dọa đối với chủ quyền của Mỹ.

Lawrence O. Gostin - một chuyên gia về luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown (Mỹ), người đã giúp đàm phán hiệp ước - cho biết: việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ là "một vết thương nghiêm trọng" đối với sức khỏe cộng đồng nhưng là "vết thương sâu hơn nữa đối với lợi ích quốc gia và an ninh quốc gia của Mỹ".

Được thành lập vào năm 1948 với sự giúp đỡ của Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới là một cơ quan của Liên hiệp quốc. Sứ mệnh của tổ chức là "đối mặt với những thách thức lớn nhất về sức khỏe của thời đại chúng ta và thúc đẩy đáng kể phúc lợi của người dân thế giới".

Điều đó bao gồm việc mang viện trợ đến các khu vực bị chiến tranh tàn phá như Gaza và theo dõi các dịch bệnh mới nổi như Zika, Ebola và COVID-19. Ngân sách hàng năm của WHO là khoảng 6,8 tỷ USD; Mỹ thường đóng góp một phần rất lớn.

Theo ông Gostin, sẽ mất một thời gian để Mỹ rút lui. Một nghị quyết chung được Quốc hội thông qua khi thành lập cơ quan này đã giải quyết khả năng rút lui ngay lập tức và yêu cầu Mỹ phải thông báo trước 1 năm, đồng thời thanh toán các nghĩa vụ tài chính của mình cho tổ chức này trong năm tài chính hiện tại.

Linh La (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI