Mỹ quyết ngăn Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19

31/07/2020 - 07:20

PNO - Những năm gần đây, Mỹ liên tục cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ nhạy cảm bằng cách tận dụng các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc làm việc tại Mỹ..

Một trường đại học Mỹ tham gia phát triển vắc-xin COVID-19 được FBI yêu cầu hợp tác để làm rõ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston tìm cách đánh cắp nghiên cứu.

Trung Quốc tìm cách tiếp cận nghiên cứu vắc-xin COVID-19

Trong email gửi đến tập thể giảng viên và nhân viên phòng nghiên cứu hôm 27/7, Đại học Texas tiết lộ, tuần trước, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã yêu cầu nhà trường hợp tác. 

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston (đã đóng cửa) được cho là trung tâm  của những vụ đánh cắp nghiên cứu khoa học, công nghệ từ Mỹ
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston (đã đóng cửa) được cho là trung tâm của những vụ đánh cắp nghiên cứu khoa học, công nghệ từ Mỹ

Theo đó, FBI tìm cách liên lạc với trường đại học này để điều tra về vai trò của lãnh sự quán và nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tiếp cận bất hợp pháp thông tin khoa học từ các trường đại học Mỹ, bao gồm cả nghiên cứu vắc-xin ngừa vi-rút SARS-CoV-2 (vi-rút gây ra COVID-19). Hiện Đại học Texas không biết FBI dự định liên lạc với ai hoặc thảo luận vấn đề gì, nhưng trường không chia sẻ bất kỳ thông tin chi tiết nào về nghiên cứu đang diễn ra với các đặc vụ FBI.

Công trình của nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Texas góp phần phát triển một số vắc-xin ngừa COVID-19 tiềm năng. Một số loại vắc-xin này hoạt động bằng cách đào tạo hệ thống miễn dịch nhận biết protein gai bám trên bề mặt Sars-CoV-2 để kích hoạt phản ứng miễn dịch tự nhiên.

Theo tuyên bố trước đây của trường đại học này, một thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu là cộng tác viên từ Trung Quốc - Wang Nianshuang, người xác định các đột biến gen giúp ổn định hình dạng protein gai bám của vi-rút.

Chiêu dụ đội ngũ nghiên cứu làm điệp viên

Những năm gần đây, Mỹ liên tục cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ nhạy cảm bằng cách tận dụng các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc làm việc tại Mỹ. Vì vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu gốc Hoa đều bị kiểm tra chặt chẽ. Vào giữa tháng Bảy, các quan chức chính quyền của Tổng thống Donald Trump chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể đã sử dụng lãnh sự quán tại Houston để làm cơ sở cho hoạt động gián điệp công nghiệp khi Bắc Kinh tìm cách trở thành người đầu tiên tung ra thị trường một loại vắc-xin chống COVID-19. Mặt khác, FBI cũng đã bắt giữ bốn nhà nghiên cứu Trung Quốc vào trung tuần tháng Bảy vì các cáo buộc gian lận trong thị thực. 

Cơ sở ngoại giao tại Houston nằm gần khu phức hợp y tế lớn nhất thế giới, cùng một loạt các trường đại học và các dự án cơ sở hạ tầng nghiên cứu quan trọng. Các quan chức cho biết, lãnh sự quán đã được sử dụng ít nhất 50 lần trong 10 năm qua, nhằm giúp tuyển dụng thành viên cho chương trình “1.000 nhân tài”, trong đó, chính phủ Trung Quốc nhằm vào các chuyên gia hàng đầu gốc Hoa từ khắp nơi trên thế giới để đưa kỹ năng của họ về lại nước mình.

Theo chính phủ Mỹ, giống như các cơ sở lãnh sự khác, lãnh sự quán Houston từ lâu đã là cơ sở hoạt động cho tình báo Trung Quốc. Nhưng, một quan chức tình báo cấp cao cho biết, những người thu thập thông tin khoa học và công nghệ từ khu vực Houston đặc biệt “thiện chiến” và “thành công”. Đầu tháng Bảy, Giám đốc FBI Christopher Wray tiết lộ rằng, cứ khoảng 10 giờ, cơ quan này lại phải mở hồ sơ gián điệp mới liên quan đến Trung Quốc.

Vào tháng 7/2019, một doanh nhân gốc Hoa ở Houston - Shan Shi - bị kết tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ một công ty ở Texas sản xuất thiết bị khoan cho ngành công nghiệp dầu mỏ. Cũng trong năm 2019, ba nhà khoa học gốc Trung Quốc đã bị trục xuất khỏi MD Anderson - một trong những trung tâm điều trị ung thư hàng đầu thế giới, sau khi Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ nêu lên mối lo ngại về xung đột lợi ích hoặc thu nhập bất chính từ nước ngoài. Quốc tịch của các nhà khoa học không được công khai, nhưng các báo cáo điều tra đề cập đến Trung Quốc. 

Tấn Vĩ (theo SCMP, Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI