Mỹ quan ngại về “con đường tơ lụa” xuyên Bắc Cực của Trung Quốc

23/09/2020 - 10:44

PNO - Khi nhiệt độ tăng làm tan chảy các phần băng bao phủ Bắc Băng Dương, một tuyến đường biển mới sẽ xuất hiện, thu hút sự quan tâm nhiều nhất từ Trung Quốc. Nối giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, tuyến đường biển xuyên cực (transpolar sea route - TSR) này dự kiến đi xuyên qua trung tâm của Bắc Băng Dương, gần điểm cực bắc.

Mặc dù có thể làm giảm đáng kể khoảng cách cho thương mại toàn cầu nhưng TSR bị đóng băng suốt hầu hết các tháng trong năm, khiến việc đi lại khó hơn nhiều so với hai tuyến vận tải Bắc Cực hiện có - tuyến Biển Bắc và tuyến Tây Bắc. Dù vậy, các quan chức và học giả Trung Quốc hiện đang chú ý đến các tác động chiến lược của tuyến đường thủy trong tương lai này “nhiều hơn hẳn các quốc gia hàng hải khác”.

Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Mia Bennett từ Đại học Hồng Kông, viết: “Theo những gì chúng tôi tìm hiểu, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đã dẫn đầu các cuộc thám hiểm chính thức trên cả ba tuyến vận tải Bắc Cực, bao gồm cả TSR”.

Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc từ tàu phá băng Xuelong thiết lập một chiếc phao thăm dò đại dương ở Bắc Băng Dương vào năm 2016 - Ảnh: Tân Hoa xã
Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc từ tàu phá băng Xuelong thiết lập một chiếc phao thăm dò đại dương ở Bắc Băng Dương vào năm 2016 - Ảnh: Tân Hoa xã

“Con đường tơ lụa” trên băng

Vài năm qua, Bắc Kinh tỏ rõ ý định bành trướng ở khu vực Bắc Cực. Sách trắng của Trung Quốc công bố đầu năm 2018 kêu gọi biến Bắc Cực thành “con đường tơ lụa vùng cực”, nêu bật kế hoạch tích hợp tuyến đường này vào Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn đang gây tranh cãi - một mạng lưới thương mại và đầu tư rộng khắp, kết nối châu Á với châu Âu, xoay quanh Trung Quốc.

Vì vậy, ngày càng có nhiều lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực giàu tài nguyên này cũng như việc Trung Quốc tự mô tả mình là “một quốc gia cận Bắc Cực” dù trên thực tế, Bắc Kinh không kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ nào nằm gần cực bắc.

Quan điểm trên dẫn đến những lời lẽ gay gắt từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. “Bắc Kinh tuyên bố mình là một quốc gia gần Bắc Cực, nhưng khoảng cách ngắn nhất giữa Trung Quốc và Bắc Cực là 1.450km” - ông Pompeo phát biểu năm 2019 tại cuộc họp Hội đồng Bắc Cực - diễn đàn liên chính phủ gồm tám nước thành viên, bao gồm Mỹ nhưng không có Trung Quốc.

Theo tiến sĩ Bennett, khu vực giữa Bắc Băng Dương sẽ chỉ tan băng vài tháng mỗi năm từ năm 2050, nên các nước có lãnh thổ quanh vùng Bắc Cực như Mỹ không quá nhiệt tình như Trung Quốc về con đường biển xuyên cực. Dường như Bắc Kinh có những mưu cầu lợi ích riêng quanh khu vực này. Hầu hết các vùng nước trên TSR đều nằm ngoài quyền tài phán lãnh thổ của mọi quốc gia, nên khi không bị đóng băng, tất cả tàu thuyền sẽ được tự do đi lại, kể cả tàu quân sự.

Chuyên gia Mỹ lo ngại kế hoạch của Trung Quốc

Ấn phẩm phân tích The National Interest tại Mỹ đã đăng một bài báo về viễn cảnh liên minh Nga - Trung đối đầu với các lợi ích của Mỹ ở Bắc Cực, gọi là “cơn ác mộng kỹ thuật”. Người phụ trách chuyên mục của ấn phẩm này - Michael Lyons - đưa ra kết luận, Washington ngày nay không đủ khả năng ngăn cản bước tiến Bắc Cực từ phía Trung Quốc và Nga. Một trong những lý do chính là Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ chỉ có hai tàu phá băng, trong khi Trung Quốc cũng có hai tàu phá băng, còn hạm đội Nga có ít nhất 40 tàu, và đến năm 2035 sẽ có thêm 13 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trên thực tế, mối quan tâm của Mỹ không phải là số lượng tàu phá băng, mà là “con đường tơ lụa” trên băng. Nhìn chung, truyền thông phương Tây cho rằng, Trung Quốc muốn khẳng định mình như một người tiên phong phát triển Bắc Cực. Hơn nữa, việc thực hiện “con đường tơ lụa” trên băng sẽ giảm thiểu rủi ro của Bắc Kinh đến mức thấp nhất trong quá trình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, giữa lúc các tuyến hàng hải trên thế giới nóng lên vì làn sóng phản đối Trung Quốc.

Mặc dù tuyến đường mới vẫn chưa gây ra xung đột địa chính trị, nhưng kế hoạch của Trung Quốc về Bắc Cực có thể gây ra căng thẳng trong tương lai. Vào năm 2015, Bắc Kinh đã sửa đổi luật an ninh quốc gia để xác định các vùng cực, cùng với không gian và biển sâu là các khu vực quốc tế mà nước này có thể “thăm dò và khai thác một cách hòa bình”. Một số nước quanh Bắc Cực, cụ thể là Nga, đang hợp tác với Trung Quốc để phát triển nhưng đồng thời, họ vẫn coi các vùng cực là vấn đề “chủ quyền lãnh thổ”. 

Tiến sĩ Bennett nhận định: “Ngay cả khi Trung Quốc mô tả Bắc Cực là một dạng biên giới chung, chúng ta có năm quốc gia ven biển Bắc Cực và tám quốc gia có lãnh thổ nằm ở phía bắc của Vòng Bắc Cực, vì vậy, thực tế khác với những gì Bắc Kinh đề cập trong bộ luật năm 2015”. 

Tấn Vĩ (theo SCMP, CGTN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI