|
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam gặp nhiều áp lực |
Về cuộc chiến này, ông Trần Sĩ Chương - từng là cố vấn kinh tế và tiền tệ tại Quốc hội Mỹ, hiện là một chuyên gia tài chính và cố vấn chiến lược doanh nghiệp tại TP.HCM - nói: Nhìn lại lịch sử thế giới, cứ khoảng trên dưới 50 năm, trật tự thế giới lại gặp thách thức. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ trở thành siêu cường quốc độc tôn, lập lại trật tự thế giới và nắm phần chủ động tuyệt đối từ quân sự, chính trị đến kinh tế, tài chính toàn cầu. 5 năm trở lại đây, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đã đe dọa vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Mặt khác, vị thế của đồng tiền Trung Quốc cũng từng bước được nâng lên, thể hiện trước hết qua việc đồng nhân dân tệ được đưa vào kho dự trữ ngoại hối của một số ngân hàng trung ương trên thế giới. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và khu vực đồng euro đang gặp khó khăn, các đồng tiền như USD, yên và euro chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, một số nước đã xem xét lựa chọn nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán và dự trữ.
Đồng nhân dân tệ tiến sâu hơn vào thị trường quốc tế thể hiện tham vọng của Trung Quốc muốn thách thức đồng USD cũng như trật tự kinh tế thế giới vốn đang do Mỹ thống trị. Ngay tại châu Á, Trung Quốc có thể cùng các nước trong khu vực thành lập một liên minh tiền tệ, đây sẽ là bước tiến lớn để mở rộng ảnh hưởng ra thế giới.
Phóng viên: Hiện nay, tương quan về quân sự và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ thế nào, thưa ông?
Ông Trần Sĩ Chương: Quân lực của Mỹ về mặt tuyệt đối mạnh gấp nhiều lần Trung Quốc, nhưng về mặt tương đối thì không hẳn vậy. Tổng thống Mỹ muốn tấn công một quốc gia khác, phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và phải qua nhiều thủ tục ngoại giao với Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc tuy lực có kém Mỹ nhưng lãnh tụ nước này có nhiều quyền hơn. Ý đồ bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông quá rõ ràng nhưng hầu như không nước nào muốn hoặc có biện pháp cụ thể xứng tầm, kể cả Mỹ. Hơn nữa, một phát súng trên Biển Đông có thể khiến thị trường chứng khoán sụt giảm vài ngàn tỷ USD qua đêm, đó là điều ai cũng dè chừng.
Điều Mỹ quan ngại nhất là “cái uy” của mình bị lung lay và có nguy cơ tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng. Xưa nay, “cái uy” là thứ khiến cho các nước phục tùng Mỹ. Nhưng nay, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung quốc khiến Mỹ không còn cái uy tuyệt đối đối với nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực. Chẳng hạn như Philippines, nước được coi là một quốc gia thân Mỹ nhất thế giới cũng trở nên “bướng bỉnh”.
|
Ông Trần Sĩ Chương |
Với mong muốn lập lại trật tự thế giới, củng cố vị trí độc tôn, Mỹ không thể không ra tay trước khi quá muộn. Cuộc leo thang chiến tranh thương mại của Mỹ không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn để thị uy tất cả những nước còn lại, kể cả đồng minh của Mỹ. Ông Trump đã từng nói thẳng thừng EU là “kẻ thù của Mỹ về kinh tế” nên cuộc chiến giữa Mỹ với các nước còn lại không kém phần gay gắt. Tất cả các biện pháp quân sự, ngoại giao đều có vẻ “bất khả thi”.
Lúc này, Mỹ không còn cách nào khác ngoài biện pháp kinh tế và thương mại, vì đây là mặt trận mà Mỹ hiện còn có ưu thế so với Trung Quốc. Mỹ đang nhập khẩu trên 500 tỷ USD từ Trung Quốc trong khi chỉ xuất khẩu ngược trở lại trên 100 tỷ USD. Như vậy, trong cuộc chiến này, Trung Quốc có thể sẽ bị thấm đòn gấp bốn lần Mỹ. Mỹ đang cá cược rằng, Trung Quốc sẽ không chịu đòn được lâu và sẽ nhượng bộ.
* Xin phép được cắt ngang, ông có thể nhận xét đôi điều về Tổng thống Donald Trump?
- Donald Trump không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên của nước Mỹ. Ở đất nước này, người được bầu lên vị trí tổng thống thường thể hiện nhu cầu, mong muốn của người dân ở thời điểm đó. Chẳng hạn như khi cố tổng thống Nixon bị buộc phải từ nhiệm sau những vụ bê bối chính trị, tồi tệ nhất là vụ Watergate, nước Mỹ rất cần một người có thể lấy lại uy tín đạo đức cho quốc gia. Vì vậy, từ một thống đốc vô danh, mục sư (Tin lành) Jimmy Carter đắc cử tổng thống trước nhiều đối thủ chính trị sừng sỏ hơn nhiều. Ông Obama được bầu lên để rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, phục hồi uy tín của Mỹ trên chính trường quốc tế sau 8 năm dưới chính sách đối ngoại hung hăng, tốn kém của Tổng thống Bush.
Trong 8 năm Obama cầm quyền, nắm được điểm yếu của Mỹ là không muốn gây căng thẳng để tránh rủi ro, Trung Quốc càng có cơ hội triển khai chiến lược phân hóa, chia rẽ, lôi kéo các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây được coi là một sự thất bại cay đắng đối với giới lãnh đạo quyền lực Hoa Kỳ. Hình ảnh Tổng thống Obama không được đón tiếp đúng cung cách ngoại giao mà phải chịu xuống máy bay bằng cửa sau ở Bắc Kinh đã cho ông Donald Trump cơ hội kết tội ông Obama và đảng Dân chủ quá nhu nhược, làm mất uy quyền của Mỹ. Ông Trump tự tin rằng, mình sẽ lập lại trật tự thế giới có lợi cho Mỹ, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
* Trở lại với cuộc chiến thương mại, Mỹ được lợi gì từ cuộc chiến này, thưa ông?
- Thực ra, trong cuộc chiến này, đôi bên đều chịu thiệt hại và kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tổng sản lượng kinh tế thế giới sẽ bị sụt giảm khoảng 0,1 - 0,2% trong năm nay. Tổng thống Donald Trump đang cá cược rằng, “cuộc chơi” chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và Trung Quốc sẽ tìm cách nhượng bộ sớm để tránh thiệt hại nặng nề về kinh tế. Điều quan trọng là đạt được mục tiêu lập lại trật tự thế giới cũng như lấy lại “cái uy” vốn có.
Ngoài ra, nước Mỹ của Trump cũng đang chủ trương chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới, nhằm tạo thế cân bằng với chính sách “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Mỹ cùng với Liên Xô và Ấn Độ có thể tạo thành thế gọng kìm vững chắc để cô lập và làm suy yếu Trung Quốc khi cần. Trong mắt các chiến lược gia của Mỹ, nếu sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc không được kiềm chế bây giờ thì không lâu nữa, khi tiềm lực quân sự của họ đủ sức đối trọng với Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương thì Mỹ sẽ phải đối đầu với những khó khăn không lường trước được.
Xuân Lộc (thực hiện)