Mỹ phản đối lời kêu gọi hoãn tiêm vắc xin tăng cường của WHO: "Một lựa chọn sai lầm"

05/08/2021 - 10:44

PNO - Thư ký báo chí Nhà Trắng nói rằng việc WHO yêu cầu ngừng tiêm liều vắc xin thứ ba để cung cấp cho các nước nghèo là một "lựa chọn sai lầm".

Hôm 4/8 (giờ địa phương), Hoa Kỳ chính thức lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi của cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc về việc tạm hoãn tiêm vắc xin COVID-19, để các nước giàu tập trung vào việc cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn khi ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt con số 200 triệu.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia và các công ty kiểm soát lại việc cung cấp vắc xin và thay đổi lộ trình ngay lập tức để ưu tiên giải quyết sự bất bình đẳng gay gắt trong phân phối vắc xin giữa các quốc gia giàu và nghèo.

“Chúng tôi chắc chắn cảm thấy rằng đó là một lựa chọn sai lầm và chúng tôi có thể làm cả hai”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói. Đồng thời bà nói thêm rằng Hoa Kỳ đã tài trợ vắc xin nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác và đang yêu cầu những người khác thúc đẩy thêm cùng. “Cũng tại quốc gia này, chúng tôi có đủ nguồn cung cấp để đảm bảo rằng mọi người Mỹ đều có thể tiếp cận với vắc xin”, bà nói thêm.

“Chúng tôi sẽ có đủ nguồn cung cấp và chúng tôi tin rằng có thể làm được cả hai và chúng tôi không cần phải đưa ra lựa chọn đó”, Psaki khẳng định.

Một người dân từ cơ sở chăm sóc người cao tuổi Amigor nhận liều thứ ba của vắc-xin coronavirus vào ngày 4 tháng 8 năm 2021. (Yonatan Sindel / Flash90)
Một người cao tuổi Israel nhận liều vắc xin COVID-19 thứ 3 vào ngày 4/8

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nhiều tháng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự mất cân bằng ngày càng rõ rệt trong việc cung cấp vắc xin chống lại căn bệnh đã giết chết 4,2 triệu người trên toàn thế giới.

WHO muốn mọi quốc gia phải tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9, 40% vào cuối năm và 70% vào giữa năm 2022.

Ở các quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp vào loại thu nhập cao, hiện đã có 101 liều/100 người được tiêm. Trong khi đó, ở các nước có thu nhập thấp chỉ tiêm được 1,7 liều/100 người.

Israel, Nga và Hungary đã bắt đầu cung cấp liều tăng cường thứ ba cho nhiều nhóm dân số của họ, trong khi Đức và Pháp thông báo sẽ bắt đầu tiêm liều thứ 3 từ ngày 1/9. Các quốc gia khác, bao gồm Hoa Kỳ và Anh, đang xem xét kế hoạch này khi biến thể Delta có khả năng lây lan cao.

Israel đã bắt đầu sử dụng liều tăng cường vắc xin COVID cho những người bị ức chế miễn dịch vào tháng trước và triển khai chúng cho tất cả những người Israel trên 60 tuổi vào cuối tuần qua.

Thủ tướng Naftali Bennett đã kêu gọi người già hẹn tiêm liều thứ ba để tự bảo vệ mình tốt hơn: “Liều vắc xin tăng cường chỉ đơn giản là "nạp lại" hệ thống phòng thủ cho cơ thể. Tôi yêu cầu tất cả mọi người hãy đi tiêm phòng. Càng tiêm phòng nhiều, chúng ta càng bảo vệ được cha mẹ của mình", Thủ tướng Naftali Bennett nói.

Trọng Trí (theo AFP, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI