edf40wrjww2tblPage:Content
Vẫn có chất bảo quản paraben
Ghi nhận tại một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TP.HCM, không ít người tiêu dùng đến quầy mỹ phẩm và hỏi nhân viên bán hàng “mỹ phẩm loại nào chiết xuất từ thiên nhiên”. Tuy nhiên, trên các dòng sản phẩm được cho là chiết xuất từ thiên nhiên, vẫn có mặt chất bảo quản.
Tại hệ thống cửa hàng The Face Shop trưng bày rất nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da chiết xuất từ thiên nhiên như: trái cọ, cám gạo, ô liu, trà xanh, than đá, rong biển, bùn, lô hội… Một nhân viên bán hàng tư vấn: “Các sản phẩm này chiết xuất 100% từ thiên nhiên nên bảo đảm không gây dị ứng, thích hợp mọi loại da”. Thế nhưng, khi xem thành phần in trên bao bì của một số loại mỹ phẩm, chúng tôi vẫn thấy chứa nhiều loại paraben như methylparaben, isobutylparaben, butylparaben, propylparaben.
Tương tự, các dòng sản phẩm của Murad được quảng cáo chứa 21 loại khoáng chất thiên nhiên, nhân viên bán hàng đều khẳng định “parapen - free” nhưng có một số loại trong thành phần lại chứa năm dẫn chất paraben như methylparaben, butylparaben, isobutylparaben, propylparaben, ethylparaben.
Tại các chợ, cửa hàng, siêu thị bán nhiều sản phẩm được cho là chiết xuất từ thiên nhiên nhưng vẫn chứa parapen hoặc các chất thay thế như: St.lves 100% natural hạt mơ có chứa methylisothiazolinone; Lacvert essance có chứa ethyparaben; Hadalabo và E100 nghệ có chứa propylparaben; Biona nghệ có chứa parabens… (Trong số các chất nêu trên, isobutylparaben sẽ bị cấm sử dụng kể từ 1/8/2015. Nhóm sản phẩm chứa butylparaben và propylparaben chưa tuân theo tỷ lệ quy định mới thì được bán đến hết tháng 6/2016).
Bên cạnh đó, các loại mỹ phẩm handmade như kem dưỡng da, son dưỡng môi, nước hoa khô, sữa/bơ/sáp dưỡng thể, lăn khử mùi, gel rửa tay… cũng được nhiều người tìm mua vì tin rằng thành phần gần như 100% thiên nhiên, không chứa chất bảo quản. Các nguyên liệu để làm mỹ phẩm handmade như sáp ong, bột đậu nành, bơ, cám gạo, yến mạch… được bày bán tại nhiều cửa hàng, trên các trang web. Các loại tinh dầu dưỡng da và chăm sóc cơ thể từ thiên nhiên cũng dày đặc tại các hệ thống siêu thị. Bà Hồ Ngọc - chủ thương hiệu Nature Vicad’s house cho biết, các loại chiết xuất dầu như dầu gấc, dầu nho, hay dầu nghệ dùng công nghệ nhiệt để ép, hạn sử dụng cũng chỉ sáu tháng.
Đối với các loại cám gạo, yến mạch… dù dùng công nghệ ủ, sấy vẫn dễ bị nấm mốc do chúng có tính năng hút ẩm cao. Các mỹ phẩm thiên nhiên đúng nghĩa, không chất bảo quản nếu để ngăn mát trong tủ lạnh thì hạn dùng tối đa cũng chỉ một năm.
Cửa hàng tinh dầu Oleo (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3), trưng bày nhiều loại tinh dầu xuất xứ trong và ngoài nước như hướng dương, dầu dừa, tràm gió, dầu nghệ, tràm trà, hoắc hương, phong lữ, khuynh diệp, đàn chanh, hoàng đàn, pơ mu, đàn hương, dầu hồi, màng tang, hoa cam, húng quế, tiêu đen… dùng để chăm sóc tóc, da, giúp giảm đau, giải độc tố trong cơ thể. Một số thương hiệu lớn ghi hạn sử dụng, thành phần, còn hầu hết chỉ ghi tên, công dụng ngoài vỏ chai, không biết nguồn gốc từ đâu, hạn dùng. Dù vậy, các nhân viên bán tinh dầu đều tư vấn “khi mua về, chỉ cần để ở nhiệt độ bình thường trong phòng là có thể sử dụng được hai năm”.
Theo BS Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên bộ môn y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM, các loại thảo dược làm đẹp, trừ khi sử dụng dạng thô từ cây, củ, còn nếu đã qua bào chế như mài, đun, nấu… không ít thì nhiều đều phải có chất bảo quản mới giữ được lâu.
Cũng có khả năng gây dị ứng
BS Trần Thế Viện - khoa lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết hiện chưa xác định thủ phạm gây viêm da dị ứng do mỹ phẩm, tuy nhiên tỷ lệ viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm đến khám tại các trung tâm da liễu ngày một cao. Bệnh viện Da liễu TP.HCM và phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân do viêm da tiếp xúc với mỹ phẩm được cho là từ thiên nhiên nhưng trong thành phần có chứa paraben hoặc methylchloroisothiazolinone, methylisothiazolinone. Trong đó, những người có làn da nhạy cảm, hay bị bệnh dị ứng như bệnh chàm, mề đay, hen suyễn, viêm mũi dị ứng là đối tượng dễ bị dị ứng mỹ phẩm có chất bảo quản nhất.
TS Huỳnh Khánh Duy - khoa Kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa TP.HCM nhận định, một số loại chiết xuất từ thiên nhiên, bản thân nó cũng là chất bảo quản. Nếu trong thành phần sản phẩm có chất đường, đạm, nước… bị phân hủy do vi sinh vật, oxy hóa từ môi trường, do nội tại các chất bên trong tương tác với nhau, tiếp xúc với nhiệt độ bị biến tính và thành phần hóa học thay đổi…, người sản xuất phải sử dụng chất bảo quản để giữ được lâu.
Việc sử dụng chất bảo quản nhằm tiêu diệt hoặc ức chế, ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc, vi sinh vật có trong sản phẩm, giúp ngăn chặn quá trình phân hủy, làm tăng hạn sử dụng của sản phẩm cũng như hạn chế tác hại của các chất sinh ra trong quá trình phân hủy đến sức khỏe người sử dụng. Chất bảo quản có thể từ chất hóa học hoặc chất bảo quản từ thiên nhiên như muối, đường, đinh hương, giấm, quế, axít citric từ trái cây, cồn, vitamin E, vitamin C... Tùy theo loại chất bảo quản cho vào sản phẩm, cách bảo quản của người sử dụng mà một số loại sẽ giảm đi tác dụng, mất đi sự hỗ trợ trong thành phần, có thể gây kích ứng do sự tương tác của các chất với nhau.
HOA LÀI