Mỹ phẩm Thái Lan 'ba không' tung hoành thị trường

16/04/2015 - 12:29

PNO - PN - Quay lưng với hàng hóa của Trung Quốc vì lo ngại ảnh hưởng sức khỏe, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng dùng sản phẩm của Thái Lan với niềm tin “an toàn, chất lượng”. Tuy nhiên, điều này không có gì đảm bảo, bởi hầu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hấp trắng, kích trắng, ủ trắng toàn thân (?)

Đặc trưng của mỹ phẩm Thái Lan (đang được bán trên thị trường Việt Nam) là có tính năng làm trắng da toàn thân với hàng loạt các sản phẩm như serum làm trắng, nước kích trắng, kem/bùn ủ trắng, gel hấp trắng, kem trắng dành cho da ngăm đen…

Tiết trời nóng bức khiến nhiều chị em phần nào e ngại các dạng kem bết dính. Vì vậy, ngay khi xuất hiện (khoảng hai tháng gần đây), mặt hàng gel lạnh hấp trắng, nước làm trắng với những cái tên như Buxury Doll, Olaf, Super White đã trở thành hàng “hot” trên thị trường. Giá sản phẩm từ 150.000-250.000đ/chai 250ml. Trên các trang mạng xã hội, thông tin về mặt hàng này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt. Họ kháo nhau rằng, khi thoa lên da sản phẩm này không những không bết dính mà còn có độ mát, thấm ngay vào da. Chỉ khoảng năm phút sau đó, phần da được thoa gel nhanh chóng có màu trắng sáng hơn hẳn phần da còn lại.

Ngoài ra, theo ghi nhận, tại shop Trang (Q.Gò Vấp) còn có loại serum “kích trắng phù thủy sắc đẹp” Vampire Benny với giá chỉ 35.000đ/chai 30ml. Mỗi lần dùng chỉ cần nhỏ vài giọt vào kem dưỡng thể rồi thoa toàn thân, da sẽ trắng sau khoảng bảy-mười ngày dùng. Theo cô chủ Lollipop shop, vì giá rẻ nên thu hút nhiều khách hàng là học sinh, sinh viên.

Tại một số chợ có bán dạng nước kích trắng của Thái Lan với giá chỉ 20.000đ/lọ 10g, nhãn hiệu Dose (chợ Xóm Chiếu, Q.4). Chợ Xóm Củi (Q.8) có sản phẩm làm trắng vùng nách, làm hồng nhũ hoa xuất xứ Thái Lan, không rõ nhãn hiệu vì trên vỏ chỉ ghi vài dòng tiếng Thái, giá 40.000-60.000đ/lọ.

My pham Thai Lan 'ba khong' tung hoanh thi truong

Nguồn gốc, thành phần không rõ ràng

Từ ghi nhận thực tế cho thấy, thị trường hiện có hai dạng mỹ phẩm Thái Lan, một là sản phẩm nhập từ Thái, nhưng cũng thuộc nhóm hàng trôi nổi, hàng kém chất lượng. Dạng thứ hai nhiều khả năng do chính người Việt tự chế rồi gắn nhãn “made in Thailand”. Điển hình cho dạng thứ hai là các sản phẩm ở cửa hàng mỹ phẩm P.Đ., nằm trong một con hẻm trên đường Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM). Cửa hàng khá tuềnh toàng với hai tủ kính kê sát hai bên tường chứa nhiều chai, hộp, lọ mỹ phẩm khác nhau, trưng bày lộn xộn. Cô chủ nhiệt tình: “Gì chứ hàng trắng da toàn thân thì nhà em có nhiều loại, tụi em chuyên bỏ mối cho các spa mà”. Nói rồi cô nhanh nhẹn giới thiệu một loạt các sản phẩm như: bộ tắm trắng tại nhà gồm bùn ủ kích trắng và kem kích trắng giá 800.000đ giảm còn 250.000đ/hộp/kg. Kem dưỡng trắng da Velvet - Thái Lan Whitening cream giảm còn 200.000đ...

Cô này còn giới thiệu “gel lạnh kích trắng siêu nhanh” với cái tên “Nước thần kỳ làm trắng da toàn thân (Magic water body whitening)”. Cũng hai chai hình trụ 250ml, giống hệt nhau về phần vỏ và màu sắc bên trong nhưng lại được mang hai cái tên khác nhau là Olaf và Super White. Bao bì sản phẩm cực kỳ sơ sài, các chi tiết như nắp, vòi rất thô; nhãn giấy dán lên chai cũng không được ngay hàng thẳng lối.

Không chỉ vậy, ở ngăn dưới cùng tủ kính của cửa hàng này lại có nhiều chai tương tự song chưa được dán nhãn. Cô chủ lý giải: “Nhà em nhập nguyên liệu từ công ty ở Bangkok, Thái Lan; vừa mới chiết vào các chai này, chưa kịp dán nhãn. Vả lại, cũng có những spa họ thích tự dán nhãn theo ý riêng nên nhà em giao thô để họ tự dán”. Theo cô này thì nhãn là do công ty bên Thái thiết kế và gửi file về để cửa hàng tự in rồi dán lên chai.

Theo những thông tin mà cô chia sẻ, nguyên liệu được nhắc đến rất nhiều khả năng là một sản phẩm tự chế ở trong nước, cũng có thể nhập từ Thái Lan. Song dù khả năng nào thì đây hoàn toàn là sản phẩm “ba không” - không có bất cứ một cơ quan chức năng hay cơ quan chuyên môn nào thẩm định độ an toàn của sản phẩm; không nguồn gốc, xuất xứ; không rõ thành phần sản phẩm.

Sau khi thoa thử nghiệm lên một vùng da nhỏ, PGS-TS-BS Lê Ngọc Diệp, ĐH Y Dược TP.HCM khẳng định: “Sản phẩm chắc chắn chứa những axít rất mạnh nên nhanh chóng làm bong lớp da. Để biết nó là axít gì, tác hại đến mức nào thì phải đưa vào phòng thí nghiệm mới biết được. Những chất làm trắng da với nồng độ an toàn cho sức khỏe người dùng không bao giờ trắng sáng với tốc độ nhanh như vậy mà cần phải sử dụng lâu dài”.

Phát biểu trên trang tin điện tử The Nationnal, Thái Lan, các bác sĩ da liễu của nước này cảnh báo “các loại thuốc, chất lỏng hoặc mỹ phẩm có tác dụng làm trắng da thường chứa hàm lượng cao chất AHA (alpha hydroxy axít). Chúng có thể khiến người dùng bị ung thư da nếu sử dụng trong thời gian dài, thậm chí gây mù lòa nếu bôi quá gần mắt”.

Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, liên tiếp trong hai tuần qua, khi kiểm tra nhiều điểm buôn bán mỹ phẩm tại một số chợ và cửa hàng bán lẻ, các đội quản lý thị trường đã tạm giữ gần 15.000 hộp, chai, lọ sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu. Đa phần sản phẩm là kem siêu trắng, kem thoa mặt, kem dưỡng da… có xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, Pháp.

 AN HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI