Khái niệm “mỹ phẩm sạch” từ lâu đã trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu để phụ nữ chọn mua khi thị trường mỹ phẩm bước vào giai đoạn bão hòa, tốt xấu lẫn lộn.
Thế nhưng, chọn mỹ phẩm handmade như thế nào khi hàng thủ công có đến cả trăm loại, với chất lượng và giá cả chênh nhau đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng?
|
Ít ai ngờ đây là những sản phẩm son làm từ trái gấc của 9X cựu sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
May nhờ rủi chịu
Quỳnh My (sinh viên năm 4, Đại học Văn hóa TP.HCM) là một trong những “tín đồ” cuồng sản phẩm handmade. Cơ duyên với mỹ phẩm thủ công bắt đầu khi cô tìm đến một trong những dòng dưỡng da được tinh chế từ thuốc bắc.
“Thời điểm mới vào đại học, da mặt mình xuống cấp trầm trọng, trông như da cóc, có lẽ vì thay đổi môi trường sống. Mụn bọc và mụn đỏ li ti xuất hiện hai bên má, nặng nhất ở phần trán. Thời gian đó vì quá tự ti nên mình tìm hiểu rất nhiều dòng sản phẩm. Vì là sinh viên, mức chi tiêu có hạn nên không thể bỏ ra vài triệu đồng cho bộ chăm sóc da chuyên nghiệp, mình tìm đến mỹ phẩm handmade…”, My chia sẻ.
Theo Quỳnh My, thị trường mỹ phẩm handmade vô cùng đa dạng, cô đếm sơ thấy cả trăm loại. Tuy nhiên, khi mua mỹ phẩm handmade, tiêu chí hàng đầu để chọn lựa đến từ… niềm tin.
Sau khi được bạn bè giới thiệu, My đặt liệu trình chăm sóc da bằng thuốc bắc với mức giá chưa đến 400.000 đồng. Bộ sản phẩm gồm bột rửa mặt, thuốc trị mụn. Hơn ba tháng sau, da mặt My chuyển biến rõ rệt, da trắng và sáng, mụn không còn xuất hiện, vết thâm cũng mờ hẳn.
“Bạn bè và người quen chính là nguồn để mình tham khảo. Bên cạnh đó, mình còn đọc kỹ về công dụng sản phẩm, giấy phép sản xuất và đặc biệt là xin tư vấn từ người sản xuất xem da có thực sự tương thích với loại này không”, My nói thêm.
Không may mắn như Quỳnh My, chị Thu Huyền (Hà Nội) cũng được giới thiệu một loại thuốc bắc trị mụn với công dụng tương tự. Qua tìm hiểu, mức giá đưa ra cho liệu trình cũng chỉ 600.000 đồng trong ba tháng. Dù vậy, sau khoảng hai tháng sử dụng, chị Huyền phải bỏ luôn cả bộ sản phẩm vì da không cải thiện và đặc biệt, da mặt trở nên khô ráp, bong tróc.
Điểm chung của mỹ phẩm handmade
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Huệ, cựu sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật, từng thành công ở dòng sản phẩm nước mát tự pha chế, cho biết, dòng sản phẩm thải độc, sữa ong chúa cải tạo da của chị đang được phân phối rất tốt thông qua kênh bán hàng online trải dài từ Bắc - Nam.
Chị Huệ kể, sau khi gác lại dự án nước mát, sức khỏe chị cũng bắt đầu gặp vấn đề khi toàn thân nổi mề đay, mặt nổi mụn nhọt rất nhiều và thường bị cảm sốt khi dính mưa.
“Tôi chạy chữa rất nhiều bằng các loại thuốc bôi ngoài da ngoại nhập, nhưng nhận thấy vấn đề tác động từ bên trong nên liên hệ với nhiều người quen trong lĩnh vực Đông y, thực y… để tìm hiểu, nghe tư vấn”, chị Huệ cho biết.
|
Điểm chung của sản phẩm handmade thường xuất phát từ những trải nghiệm của chính người làm ra sản phẩm - Ảnh minh họa |
Chị bắt đầu chữa từ bên trong, giải độc cơ thể để không còn mụn, mề đay trên da và dùng các loại nguyên liệu giải cảm có trong nhà như hành, chanh, rau lá xanh… làm nước ngâm chân để giải cảm. “Thấy hiệu quả trên chính cơ thể mình, tôi mang nó đến cho nhiều người cùng sử dụng”, chị Huệ cho biết thêm.
Hiện tại, những sản phẩm giải độc, bộ ngâm chân tốt cho sức khỏe và sản phẩm thiên nhiên bôi da của chị Huệ được phân phối toàn quốc thông qua hệ thống cộng tác viên (khoảng 25 người, chủ yếu phân phối online).
Trường hợp khác, chị Vinh Nữ Diệu Mơ, cựu sinh viên Đại học Bách khoa, chia sẻ rằng ngày còn nhỏ, mẹ chị thường dùng dầu gấc bôi lên môi để tránh nứt nẻ, đó cũng là thói quen của phần đông người dân Gia Lai quê chị, mỗi khi trái gió trở trời. Sau khi thấy được những ứng dụng tự nhiên từ loại quả dân dã, dễ trồng và giá rẻ, chị bắt đầu suy nghĩ đưa nó vào sản xuất ra sản phẩm son làm từ trái gấc.
Hướng đi cho mỹ phẩm handmade Việt
Công ty nghiên cứu thị trường Mintel dự báo, thị trường mỹ phẩm Việt Nam sẽ cán mốc 2,35 tỷ USD vào năm 2018, đồng nghĩa với việc Việt Nam là quốc gia có tỷ suất tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Tuy nhiên, con số nêu trên dường như bỏ quên một phân khúc đặc thù - dòng mỹ phẩm handmade. Sự xuất hiện của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng thế giới, từ cao cấp như Lancôme, Dior, Shiseido... đến phân khúc tầm trung như The Face Shop, Innisfree, Etude House, The Body Shop... tạo cơ hội cho chị em phụ nữ phóng tay móc hầu bao. Dù vậy, không phải 100% phụ nữ đều chi tiêu mạnh tay cho các dòng mỹ phẩm cao cấp. Và đây chính là “cửa hẹp” để mỹ phẩm handmade ra đời và tồn tại
song song.
Việc được đón nhận tại thị trường Việt Nam không phải là điều quá khó hiểu khi bên cạnh lợi thế về giá cả, chất lượng thì nguồn gốc thiên nhiên cũng là một điểm cộng đáng giá.
Trở lại với trường hợp của Vinh Nữ Diệu Mơ, 9X gốc Gia Lai này được xem là một sinh viên sở hữu công trình khởi nghiệp đáng nể so với nhiều bạn bè đồng trang lứa.
“Nhìn vào thị trường mỹ phẩm hiện nay, tôi thấy nỗi lo của người tiêu dùng về sản phẩm handmade là có thật. Vì thế, muốn “đánh chiếm” thị trường, việc đầu tiên là phải xây dựng niềm tin nơi người sử dụng”, Diệu Mơ chia sẻ.
Theo cô, thị trường handmade cạnh tranh khốc liệt. Ngoài việc bấp bênh về chất lượng, người sản xuất còn đối mặt với “đối thủ” - những sản phẩm thủ công giá rẻ. Ngoài việc tìm đến địa chỉ uy tín, người dùng cần tìm hiểu rõ về giấy chứng nhận kiểm nghiệm an toàn cho da, xin tư vấn từ người sản xuất và thử nghiệm trước khi quyết định sử dụng.
“Điều đầu tiên quyết định sự sống còn của một thương hiệu là chất lượng. Đó là lý do khi nghiên cứu được dòng sản phẩm đầu tiên, tôi đã quyết định đem đi kiểm nghiệm. Hiện son gấc do tôi nghiên cứu và sản xuất đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 kiểm định chất lượng. Họ xác nhận thành phần kim loại như thủy ngân, asen, chì… đều ở mức an toàn”, Diệu Mơ chia sẻ.
Bên cạnh đó, để phát triển quy mô kinh doanh và mở rộng thị trường, nhiều thương hiệu mỹ phẩm handmade Việt đã quyết định đầu tư để biến sản phẩm thủ công trở thành sản phẩm công nghiệp.
Chỉ nên dùng thuốc, mỹ phẩm đã được kiểm định
Trong Tây y, bất kỳ loại thuốc nào có công dụng chữa bệnh đều phải qua khâu kiểm định, nghiên cứu và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận.
Trên thị trường ngày nay có nhiều loại mỹ phẩm, thuốc bắc điều trị các vấn đề về da dưới hình thức hàng thủ công hay gia truyền thường quảng cáo có tác dụng tái tạo da, trị mụn, trắng da... chưa được nghiên cứu cũng như kiểm định, không được bác sĩ khuyên dùng trong quá trình điều trị về da.
Không ít trường hợp bệnh nhân tìm đến bệnh viện vì sử dụng các loại thuốc bắc điều trị mụn khiến da tổn thương (biểu hiện như đỏ hồng hay tróc vảy, da đỏ sẫm, ngứa hoặc sưng có dịch vàng, trường hợp nặng là chảy mủ, nhiễm trùng da).
Tùy da mỏng hay dày mà mức độ tổn thương khác nhau. Khi thuốc tác động làm bỏng da sẽ tạo ra lớp da non, người dùng có cảm giác trắng mịn nhưng chỉ trong thời gian ngắn, riêng đối với sẹo rỗ thì không có loại thuốc nào điều trị được hết.
Không nên quá tin lời quảng cáo hoặc tin lời bạn bè, dùng bất cứ loại thuốc nào chưa qua kiểm định, công nhận. Bất kỳ loại thuốc, mỹ phẩm nào qua quá trình kiểm định mới được sử dụng, không phải cứ tỏi đen, sâm, linh chi là tốt và không phải bất cứ nguyên liệu nào đem trộn lại với nhau cũng mang lại hiệu quả, nhất là khi không biết liều lượng và cách thức.
Riêng đối với trường hợp đã sử dụng mỹ phẩm handmade hay thuốc bắc gia truyền, bị tổn thương về da thì nên vệ sinh da sạch sẽ. Trường hợp nặng như khô hay bong tróc da thì nên đến các bác sĩ chuyên về da để được tư vấn và can thiệp kịp thời.
BS Trần Thị Thanh Thủy - Bệnh viện Da liễu TP.HCM
|
Thái Nguyễn