Mỹ phẩm giả gây hại, nhà sản xuất hàng thật bị réo tên

04/10/2019 - 12:00

PNO - Nhiều doanh nghiệp không biết giải quyết thế nào khi sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, gây hại đến sức khỏe người dùng.

"Bó tay" với mỹ phẩm giả?

Mới đây, một người tiêu dùng tại Q.5, TP.HCM đã mua sản phẩm wax vuốt tóc nhãn hiệu L’Oréal tại một shop mỹ phẩm ở Q.3 với giá là 60.000 đồng/hộp. Sau khoảng 30 phút bôi lên da đầu, người này bị dị ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa. Tiếp nhận khiếu nại và kiểm tra, người phụ trách thương hiệu ngành tóc L’Oréal Professionnel cho biết, khách hàng đã mua phải sản phẩm giả mạo. 

Theo đại diện Công ty TNHH L’Oréal Việt Nam, hãng đã tiếp nhận nhiều vụ khiếu nại tương tự về phản ứng có hại từ sản phẩm wax vuốt tóc như rụng tóc, da đầu bị kích ứng, ngứa… và đã trình báo với cơ quan chức năng, đồng thời phát lời cảnh báo về việc trên thị trường đang bày bán nhiều sản phẩm wax vuốt tóc giả nhãn hiệu L’Oréal. 

My pham gia gay hai, nha san xuat hang that bi reo ten
Sản phẩm wax vuốt tóc giả nhãn hiệu L’Oréal được bày bán tràn lan

Mặc dù đây là sản phẩm giả, không in nơi sản xuất, thành phần nguyên liệu nhưng vẫn được bán công khai tại các kênh phân phối, trong đó nhiều nhất là tại các trang thương mại điện tử và chợ truyền thống. Trong khi đó, hàng chính hãng không được bán tại chợ hay trên mạng do phải qua bước tư vấn cách sử dụng đúng. 

Một đơn vị khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự là Công ty Mỹ phẩm OHUI. Công ty này cũng phải ra cảnh báo người dùng sau khi phát hiện một số trang trên Facebook tự nhận là bán hàng xách tay OHUI - Whoo chính hãng từ Hàn Quốc.

Các trang này rao bán những bộ sản phẩm với mức giá cả vô cùng hấp dẫn, nhưng những sản phẩm này chưa bao giờ có trong danh mục bán hàng của Công ty Mỹ phẩm OHUI. Phía OHUI cho biết, đã có nhiều khách hàng phản ánh việc mua phải hàng giả trên mạng với giá rẻ hơn giá sản phẩm công ty bán ra, nhiều trường hợp bị dị ứng, nổi mụn, càng dùng càng thấy da bị yếu khi sử dụng các sản phẩm trôi nổi này. 

Theo đại diện OHUI, hàng chính hãng tại Việt Nam được quản lý bằng tem niêm phong của hãng (LG Vina) và tem chống hàng giả của Bộ Công an. Tại Hàn Quốc, việc quản lý này dựa trên tem niêm phong của hãng (LG Korea) và mã vạch. Hàng chính hãng dù mua tại Việt Nam hay Hàn Quốc đều nhất thiết phải có tem mác đầy đủ, nguyên niêm phong, mã vạch hoặc giấy chứng nhận đi kèm.

Trong khi đó, 99% hàng OHUI xách tay bày bán tại Việt Nam đều không có bất kỳ một tem mác niêm phong hay giấy tờ gì. “Nếu sản phẩm không được niêm phong, bên trong có thể được bơm hút, pha tạp, tráo đổi, không thể kiểm soát được chất lượng” - hãng này phát cảnh báo.

Theo một số nhà sản xuất mỹ phẩm, các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái thu mua vỏ hộp sản phẩm chính hãng đã dùng, bơm thành phần pha trộn vào, bán ra như hàng xách tay. Có đối tượng còn làm vỏ hộp giả giống đến 99,9%. Theo điều tra của hãng OHUI, các sản phẩm này có mùi giống 90% mùi của sản phẩm thật, nhưng chất lượng không đảm bảo, xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc. 

Chế tài yếu, doanh nghiệp chịu thiệt

Bà Phạm Thị Đào - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào - cho hay, nhiều sản phẩm của công ty bị làm nhái, làm giả. Bà cho rằng, việc áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, dán tem là chưa đủ để chống hàng giả. Các đối tượng làm hàng giả cũng sẵn sàng đầu tư công nghệ để làm giả sản phẩm vì siêu lợi nhuận.

My pham gia gay hai, nha san xuat hang that bi reo ten
Hàng ngàn hộp mỹ phẩm nhái, giả, không rõ nguồn gốc vừa bị lực lượng chức năng thu giữ

Theo bà Đào, mức xử phạt hành vi làm hàng giả còn quá thấp (chỉ bị phạt 29 triệu đồng), không răn đe được đối tượng vi phạm. Kẻ làm hàng giả chấp nhận nộp phạt và tiếp tục tái phạm do mức lời thu được từ sản xuất, kinh doanh hàng giả cao gấp nhiều lần so với số tiền phạt. Trong khi ở nước ngoài, cơ quan nhà nước bắt đối tượng làm hàng giả, truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm.

“Hàng hóa qua cửa khẩu biên giới, cửa hải quan không được kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng kiểm soát chặt, phải đi sâu trong hang mới bắt được cọp, còn chỉ kiểm tra vòng ngoài thì làm sao bắt được. Trong việc chống hàng giả, rất cần cái tâm của cán bộ quản lý” - bà Đào kiến nghị.

Người tiêu dùng rất khó phân biệt hàng giả, nhái với hàng thật do các sản phẩm giả ngày càng được làm tinh vi, giống từ mẫu mã, kiểu dáng đến chi tiết nhỏ nhất. Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng chấp nhận hàng giả vì chuộng giá rẻ, tâm lý sính ngoại hoặc không biết, thậm chí biết mua phải hàng giả nhưng bỏ qua.

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM - hội tiếp nhận khá nhiều trường hợp khiếu nại mua hàng giả, nhái ở các trung tâm thương mại, nhưng gặp khó trong khâu xử lý do không có sự phối hợp của nhà sản xuất để xác minh hàng nhái, giả (nhiều đơn vị sản xuất không có đại diện ở Việt Nam). Vì vậy, không thể quy trách nhiệm, buộc tội, xử lý đối tượng bán hàng nhái, giả. 

Luật sư Đỗ Hải Bình cho rằng, cần thiết phải có chế tài mạnh tay, rút giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cá nhân vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI