Mỹ phẩm Deaura: Phạt tiền kiểu 'cắt cổ'

29/09/2017 - 18:40

PNO - Sau khi “vào tròng” nợ nần do mua mỹ phẩm, khách hàng tìm đến Công ty Deaura trả lại sản phẩm thì bị làm khó đủ cách. Cay đắng hơn, nhiều khách hàng chưa sử dụng mỹ phẩm vẫn bị phạt từ 5-10% giá trị sản phẩm.

Trả lại mỹ phẩm phải có... sổ hộ nghèo

Giữa tháng 9/2017, chị T.B. (quê Nghệ An, làm thuê tại TP.HCM) đội mưa tìm đến Báo Phụ Nữ cầu cứu. Chị B. bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng giọng nói lập cập: “Hôm qua mang túi mỹ phẩm Deaura về nhà, đọc kỹ hợp đồng, cả đêm em không ngủ được. Trông cho trời mau sáng để đến đây mong anh chị giúp em”.

Mỹ phảm Deaura: Phat tien kieu 'cat co'
Chị N.B. kêu cứu sau khi “mua nợ” bộ mỹ phẩm Deaura giá 43 triệu đồng

Như nhiều phụ nữ khác vướng “thòng lọng” mua mỹ phẩm, chị B. cũng “sập bẫy” sau chiêu trò nhắn tin trúng thưởng chăm sóc da miễn phí của Công ty Deaura. Không hiểu ma xui, quỷ khiến thế nào, người phụ nữ quanh năm lao động quần quật mới đủ ăn lại tìm đến một spa hạng sang. Chỉ sau vài giờ ngắn ngủi, chị B. trở thành con nợ với số tiền 43 triệu đồng.

Khi được hỏi về lý do vay nợ mua mỹ phẩm, chị B. thành thật: "Hồi giờ em có xài mỹ phẩm đâu. Hôm đó nghe họ làm miễn phí em đến thử cho biết. Lúc nhân viên tư vấn, em cứ nghĩ là mỹ phẩm được phát miễn phí, hằng tháng mình đến chăm sóc da mới phải trả tiền. Họ tư vấn mập mờ cùng với thời gian bị “bám đuổi” trong đó bốn tiếng nên em ký luôn. Về nhà coi kỹ mới biết đã dính bẫy”.

Ngày 11/9, trong vai người nhà chị B., chúng tôi cùng chị tìm đến Công ty Deaura để xin trả lại sản phẩm như lời nhân viên tư vấn nói: “Mua sản phẩm có thể trả lại”. Khi vừa thấy chúng tôi xuất hiện với túi mỹ phẩm, nhân viên của Công ty Deaura vội vàng “lùa” chúng tôi xuống lầu 1, nơi nhiều khách hàng tìm đến khiếu nại, đổi trả sản phẩm. Tại đây, một bảo vệ dắt chúng tôi vào một phòng biệt lập, ngồi đợi rất lâu.

Khoảng 16g45, một nữ nhân viên tên Huyền tiếp chúng tôi. Khi nghe chị B. đề nghị cho trả lại sản phẩm, bà Huyền cho biết: “Đổi trả phải có quy trình đàng hoàng chứ, đâu phải muốn trả là trả. Trong hồ sơ có ghi quy trình đổi trả”. Chị B. phản ứng: “Sao lúc tư vấn nhân viên nói là có thể trả lại chứ không nói quy trình gì cả”. Bà Huyền nói: “Có ký tên hồ sơ không? Có phải rõ chứ! Quy trình đổi trả của công ty là trong vòng 7 ngày, trường hợp bị dị ứng có giấy chứng nhận của bác sĩ và phía công ty phải test (kiểm tra) lại một lần nữa”.

Bà Huyền cho biết, phía công ty đổi trả sản phẩm trong trường hợp người dùng bị dị ứng. Ngoài ra, còn có thể giải quyết cho trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo. “Có sổ hộ nghèo không, đem đến đây công ty sẽ xem xét cho trả sản phẩm”, bà Huyền hỏi giọng đầy thách thức.

Sau nhiều lần đến công ty, bổ sung đủ cả sổ hộ nghèo và giấy chứng nhận bị dị ứng da, chị B. được Công ty Deaura đồng ý nhận lại sản phẩm. Tuy nhiên, chị B. phải đóng tiền phạt 5% giá trị sản phẩm (tương đương 2.150.000 đồng).

Mỹ phảm Deaura: Phat tien kieu 'cat co'
Khách hàng được hướng dẫn sử dụng sản phẩm bằng giấy viết tay

“Bộ mỹ phẩm của em vẫn còn nguyên, vừa mua là em đến trả liền nhưng họ vẫn phạt em hơn 2 triệu đồng. Thấy họ phạt tiền như vậy rất ấm ức nhưng cũng đành ngậm ngùi đóng phạt. Nếu không, họ bắt em trả góp 43 triệu đồng làm sao chịu nổi”, chị B. chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vài tháng gần đây, có khá đông khách hàng mua mỹ phẩm rồi phải tức tốc mang đến trả lại Công ty Deaura. Nhiều khách hàng cho rằng, chiêu trò nhắn tin trúng thưởng để lôi kéo người dân đến rồi tư vấn mập mờ cho họ mua mỹ phẩm trả góp của Công ty Deaura là thiếu minh bạch.

Muốn phạt bao nhiêu thì phạt?

Trên số báo trước, sau khi đăng thông tin liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Deaura (gọi tắt là Công ty Deaura - số 22 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM), chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả tố cáo hình thức mua bán hàng của công ty này.

Chị B.M. (43 tuổi, giáo viên, ngụ Q.7) cho biết, vào cuối tháng 7 vừa qua, chị bất ngờ nhận được điện thoại của nhân viên Công ty Deaura thông báo chị trúng thưởng chăm sóc dưỡng da miễn phí của công ty có giá trị 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đến chăm sóc da miễn phí chị bị “câu giờ” ở lại từ 15g đến khoảng 19g để vừa chăm sóc da vừa tư vấn mua mỹ phẩm. 

“Bác sĩ khám, nói là tôi bị nám, lỗ chân lông tắc nghẽn, mụn thịt... rồi tư vấn cho tôi mua bộ sản phẩm của công ty có xuất xứ từ Israel với số tiền 76 triệu đồng. Thấy tôi phân vân, nhân viên tư vấn cho biết, hiện công ty đang có chương trình khuyến mãi, bộ sản phẩm chỉ còn 43 triệu đồng, được thêm một máy BioLong và một gói liệu trình trị liệu 12 tháng... Không hiểu sao lúc đó tôi lại xiêu lòng ký vào giấy ngân hàng để mua sản phẩm”, chị B.M. kể lại.

Cầm bộ mỹ phẩm cùng “giấy nợ” lên đến 43 triệu đồng về nhà, chị M. ngồi xem xét lại thì thấy quá nhiều điểm bất thường. Theo chị M. sản phẩm Công ty Deaura bán cho chị có quá ít thông tin về sản phẩm (không có tiếng Việt), nhìn bề ngoài khá giống “mỹ phẩm chợ”. Không chỉ vậy, “hợp đồng cho vay” chị ký với Ngân hàng VPBank tại Công ty Deaura không có đóng dấu của ngân hàng. Ngạc nhiên hơn, sản phẩm Công ty Deaura bán cho chị B.M. không có hướng dẫn sử dụng. Thay vào đó, nhân viên Công ty Deaura viết tay cho khách hàng hướng dẫn sử dụng trên tờ giấy khổ A4.

Lo lắng, chị M. quay lại Công ty Deaura trả sản phẩm thì phát hiện có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh phải đi trả sản phẩm như mình. Sau nhiều bận lặn lội lên xuống, chị M. được đại diện Công ty Deaura đồng ý cho trả sản phẩm và yêu cầu phải đóng tiền phạt hơn 6 triệu đồng.

“Ngày trả sản phẩm tôi nài nỉ nhân viên của công ty nhiều lần thì họ “giảm giá” chỉ phạt tiền tôi 4,3 triệu đồng tương đương với 10% giá trị sản phẩm. Tôi thấy cách phạt của công ty rất vô lý vì sản phẩm tôi chưa mở ra. Ngoài ra, việc phạt không theo bất cứ một quy định nào mà tùy thuộc vào… năn nỉ của khách hàng”, chị M. chia sẻ.

Một trường hợp khác cũng cho rằng mình bị lừa mua mỹ phẩm là chị L. (đang làm việc tại Q.1, TP.HCM). Theo chị L. chị cũng bị “sập bẫy” chiêu trò chăm sóc da miễn phí của Công ty Deaura và “gánh nợ” số tiền 43 triệu đồng. Sau nhiều lần xin trả lại mỹ phẩm không thành công, chị L. cung cấp cho Công ty Deaura giấy tờ xác nhận của bệnh viện về việc bị dị dứng mỹ phẩm. Dù chưa mở sản phẩm ra dùng như chị M. nhưng chị L. chỉ bị phạt số tiền hơn 2 triệu đồng.

Đại diện Deaura nói gì?

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Deaura cho biết, Công ty Deaura kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu từ Israel thông qua hệ thống spa, không buôn bán lẻ ngoài thị trường. Khách hàng mua sản phẩm có thể thanh toán trực tiếp hoặc mua sản phẩm trả góp qua ngân hàng.

“Nhiều trường hợp phản ánh, hợp đồng vay giữa ngân hàng và khách hàng không có dấu đỏ, theo tôi biết là do hợp đồng này được ký kết tại công ty, phải chuyển về cho ngân hàng đóng dấu, sau đó chuyển lại cho khách hàng. Cái này liên quan đến quy trình của ngân hàng chứ không phải của công ty. Còn công ty, sau khi ngân hàng xác nhận chúng tôi sẽ đưa phiếu bàn giao sản phẩm cho khách”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, hình thức bán hàng của Công ty Deaura “không hề lạ chút nào”, mô hình bán hàng này ở nước ngoài rất phát triển. Hình thức nhắn tin trúng thưởng, khuyến mãi gói sản phẩm đều được công ty đăng ký với Bộ Công thương. “Hình thức nói trên thuộc về chiến lược marketing của công ty. Chiến lược nhắn tin trúng thưởng gói chăm sóc da 1,5 triệu đồng là để thu hút khách hàng, còn chiến lược bán hàng trả góp là để giảm áp lực tài chính cho khách hàng” , ông Minh lý giải.

Về việc Công ty Deaura chỉ tiếp nhận khách hàng có tin nhắn trúng thưởng, ông Minh cho hay: “Chúng tôi chỉ bán hàng cho khách đến trải nghiệm, được chuyên gia về da tư vấn. Để được trải nghiệm phải nhận được tin nhắn, cuộc gọi của công ty. Cái này chúng tôi có liên kết với một số trung tâm mua sắm để có số điện thoại. Khách bên ngoài đến chúng tôi từ chối tiếp là do không sắp xếp được phòng. Khách hàng muốn trải nghiệm thì để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ sắp xếp”.

Về việc một số trường hợp khách hàng phản ánh nhân viên tư vấn mập mờ khiến họ hiểu mỹ phẩm được phát miễn phí, hằng tháng đến trải nghiệm mới trả tiền, ông Minh cho biết: “Trường hợp tư vấn không rõ đã từng xảy ra, chúng tôi cũng đã có mời một số nhân viên lên nhắc nhở. Trong trường hợp này, thật ra nhân viên tư vấn nói khách hàng khi mua mỹ phẩm sau 30 ngày sẽ đến trải nghiệm gói chăm sóc da cũng trùng với hạn đóng tiền trả góp hằng tháng cho ngân hàng. Có thể nhân viên nói không rõ khiến khách hàng hiểu sai”.

Liên quan đến chính sách đổi trả sản phẩm, ông Minh cho biết, Công ty Deaura chỉ chấp nhận cho khách trả lại sản phẩm khi bị dị ứng với một thành phần nào đó của mỹ phẩm. Các trường hợp khác, công ty sẽ xem xét linh động giải quyết. Trường hợp khách hàng chưa mở sản phẩm mà mang trả lại chỉ bị phạt 1% giá trị sản phẩm (vay Ngân hàng VPBank).

Tuy nhiên, khi phóng viên dẫn chứng hàng loạt trường hợp khách hàng tại TP.HCM chưa sử dụng sản phẩm nhưng khi trả lại thì bị phạt từ 5-10%, ông Minh nói: “Phạt như vậy là sai, cái này cho bên mình xin thông tin khách hàng để kiểm tra lại. Nếu đúng như vậy bên mình sẽ xin lỗi khách hàng, trả lại tiền, đồng thời xử lý nhân viên".
Về việc đòi sổ hộ nghèo mới cho trả lại sản phẩm, ông Minh cho biết: “Việc đòi sổ hộ nghèo là sai, không có trong quy định của công ty”.

Ngoài ra, theo ông Minh, mỹ phẩm Deaura lưu hành trên thị trường đều đảm bảo các thủ tục pháp luật quy định. 

Nhóm Phóng Viên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nguyễn Thị Đông 06-01-2020 14:05:48

    Tháng 8 vừa rồi mình có mua 1 gói Điện di bên này nhưng sau khi ký hợp đồng mình có báo hủy luôn với bạn mình vừa ký hợp đồng và khi tin nhắn ngân hàng VPbank còn chưa báo đến điện thoại vậy mà khi quay lại gặp bạn tên My bộ phận kinh doanh này bạn ý tránh không gặp và mình gặp 1 bạn tên Huyền Trang giới thiệu là cấp trên của bạn My và nói với mình không hủy được. Sau 1 hồi qua lại bạn này nhất quyết nói không hủy được và bảo mình xuống trao đổi với ngân hàng hủy được thì trên spa này hủy được, mình xuống gặp 1 bạn bên ngân hàng ngồi tại tầng 1 hỏi bạn này lại nói bên spa hủy được thì bên e mới hủy đc=ược ạ thì mình không hiểu tại sao lại đùn đẩy trách nhiệm như vậy và coi khách hàng như quả bóng đá qua đá lại như thế có được không. Sau đó mình nhắn tin với bạn My báo em làm sao hủy gói đó cho chị đi. Sau 2 tháng mình tưởng mình thấy ngân hàng báo nợ mình có qua 19-21 Yên Lẵng gọi bạn My không nghe máy cho tính đến T1-2020 mình vẫn nhận được các cuộc gọi từ bên spa Yên lãng hỏi về việc này. Thật sự mình ko nghĩ 1 TT như vậy lại làm việc thiếu đồng bộ và như lừa khách hàng như vậy đâu. Thật sự thất vọng quá với các cách giải quyết và chăm sóc khách hàng như vậy.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI