'Mỹ phẩm ăn được' - chiêu trò quảng cáo bịp

23/04/2018 - 07:00

PNO - Đánh vào tâm lý muốn làm đẹp an toàn của chị em, nhiều hãng mỹ phẩm, trang mạng bán mỹ phẩm đã quảng cáo các loại mỹ phẩm làm từ nguyên liệu thiên nhiên và khẳng định, “hoàn toàn có thể ăn được” nhằm tăng độ tin cậy...

Thành phần thiên nhiên nên... ăn được?

Hiện, thị trường đang rộ lên các sản phẩm chăm sóc da mặt; dưỡng môi, tóc; chống lão hóa da toàn thân bằng nguyên liệu dầu dừa, vỏ bưởi, cao bí đao, cao khổ qua, tinh nghệ, cám gạo...

Sản phẩm của các cơ sở sản xuất, hàng tự làm, hàng có nhãn hiệu và cả “không tên” đang được rao bán nhan nhản, giá dao động từ 70.000 - 650.000 đồng/sản phẩm, nhiều nơi giảm giá đến 50% để thu hút người tiêu dùng. 

Đáng nói là, ngoài thổi phồng tính năng của sản phẩm như trị nám, tàn nhang, nhiều nơi bán còn khẳng định, “mỹ phẩm hoàn toàn có thể ăn được”. 

'My pham an duoc' - chieu tro quang cao bip
Những sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo ăn được.

Chỉ cần tìm trên Google với từ khóa “mỹ phẩm ăn được”, sẽ có hơn 1,6 triệu đường dẫn. Đến một cửa hàng chuyên doanh mỹ phẩm trên đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chúng tôi được người bán giới thiệu hàng loạt sản phẩm dưỡng da, tóc “thiên nhiên, ăn được”.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, người bán giải thích: “Mặt nạ dưỡng da cao bí đao có thành phần gồm bí đao, nước, rượu nếp, mật ong... là những sản phẩm thiên nhiên mà mỗi gia đình dùng hằng ngày nên ăn được. Mặt nạ dưỡng da cao tinh nghệ có thành phần gồm tinh bột nghệ và mật ong rừng nguyên chất được nấu thành cao nên cũng ăn được. Còn khổ qua, rau diếp cá, bông a-ti-sô cũng là những thực phẩm phổ biến. 

'My pham an duoc' - chieu tro quang cao bip
 

Cũng với cách lý giải như trên, nhiều trang web, Facebook cá nhân kết luận: “Là những sản phẩm 100% thiên nhiên nên có thể ăn được. Mỹ phẩm ăn được thì bạn còn ngần ngại gì về độ an toàn của sản phẩm khi sử dụng để dưỡng da, môi, tóc, body”.

Thậm chí, nhiều trang web còn lấy tên miền “myphamanduoc” để thu hút khách hàng. Chưa kể, các trang này còn bán cả son môi, phấn mắt “ăn được” để cam kết sản phẩm không chứa chì.

Một facebooker rao: “Son môi S. được làm từ 100% nguyên liệu và hương liệu thiên nhiên, tuyệt đối an toàn, giúp giữ ẩm cho môi, trị thâm môi, ăn cũng không sao hết. Người mang bầu dùng thoải mái, trẻ nhỏ có nuốt cũng không độc hại”. Trong khi, người dùng không thể biết được màu son hồng, cam, đỏ sặc sỡ được tạo ra từ chất gì và thực tế, nhiều loại son môi đã từng bị phát hiện nhiễm chì, chứa chất sudan tạo màu độc hại, có thể gây ung thư.

Vi phạm các quy định về quảng cáo

Giám đốc một công ty chuyên sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên khẳng định: “Không có quy định nào cho phép quảng cáo một sản phẩm vừa là mỹ phẩm, vừa là thực phẩm. Hai nhóm sản phẩm này thuộc sự quản lý của hai ngành khác nhau. Mỹ phẩm của công ty tôi dù sử dụng nguyên liệu là trái cây, củ quả, các loại đậu được sản xuất theo công nghệ sấy khô, đóng gói hút chân không, trong thành phần không có chất bảo quản, nhưng công bố sản phẩm là mỹ phẩm nên không được phép ăn mà chỉ dùng để làm đẹp. Thông tin lập lờ kiểu “ăn được” không chỉ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, sức khỏe người dùng mà còn vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh”. 

Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam - cũng khẳng định, mỹ phẩm chỉ được sử dụng đúng với tính năng của mỹ phẩm, không được quảng cáo, sử dụng như thực phẩm vì các tiêu chuẩn an toàn chất lượng của thực phẩm hoàn toàn khác với tiêu chuẩn mỹ phẩm.

Dù có nguyên liệu, thành phần như nhau nhưng sản phẩm dùng làm thực phẩm đòi hỏi phải đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chẳng hạn như các tiêu chuẩn hóa, lý, vi sinh, mức độ tinh khiết của nguyên liệu...

“Quảng cáo mỹ phẩm ăn được chỉ là cách các đơn vị, cá nhân kinh doanh đánh vào tâm lý người tiêu dùng để bán hàng. Dĩ nhiên, không ai lại nghe quảng cáo mà ăn mỹ phẩm, nhưng kiểu quảng cáo thổi phồng, bán hàng thiếu trung thực như vậy đã vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm, cần phải xử lý tận gốc” - bác sĩ Ký đề nghị. 

Được biết, trong năm 2017, Bộ Y tế đã kiểm tra và xử phạt 149 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược mỹ phẩm, an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 
5,6 tỷ đồng. 

Theo quy định về quảng cáo mỹ phẩm, tính năng, công dụng của mỹ phẩm phải đúng với bản chất của sản phẩm; nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu quả của mỹ phẩm; phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng đối với vi phạm quảng cáo mỹ phẩm sai sự thật, gây hiểu nhầm về tác dụng của mỹ phẩm.

Đối với những trường hợp quảng cáo sai sự thật có dấu hiệu của hành vi “quảng cáo gian dối”  theo quy định tại Bộ luật Hình sự, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu - 100 triệu đồng và  có thể bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù giam từ 6 - 36 tháng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI