Đôi nét về một minh quân
Trần Anh Tông là vị vua thứ 4 của triều Trần, tên thật là Trần Thuyên, trị vì 21 năm (1293 - 1314) thì nhường ngôi để làm Thái thượng hoàng cho đến khi mất vào tháng 3 năm Canh Thân (1320), thọ 44 tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Trần Anh Tông dùng tôn hiệu là: “Ứng thiên quảng vận nhân minh thánh hiếu hoàng đế”. Sử sách đánh như sau: “Anh Tông định ra cấp bậc triều ban của văn võ, đặt quy thức khoa cử của sĩ nhân, khi đại hạn thì soát ngục tha tù, năm đói to thì cho vay phát chẩn; trị đạo lấy nuôi dân làm kíp, chính sự lấy phong hiến làm đầu; văn vật chế độ, đổi mới một lượt, cũng đủ là bậc vua hiền của nhà Trần. Song theo sa môn ở trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân xây gác Ánh Vân, không phải là độ lượng của đế vương” (Việt giám thông khảo tổng luận).
|
Tượng Trần Anh Tông (Hình minh họa) |
Sách Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Vua khéo kế nghiệp, cho nên thời bấy giờ đất nước yên ổn, chính trị tốt đẹp, điển chương chế độ dần dần lớn mạnh, cũng là bậc vua giỏi của triều nhà Trần. Nhưng tụ họp các nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân để xây gác Ánh Vân, há chẳng phải có cái vết nhỏ trong đức tốt đó sao?... Nhà vua không ngần ngại sửa đổi lỗi lầm, thò vua cha rất kính cẩn, hòa thuận với họ hàng, tôn ông bà làm hoàng đế, hoàng hậu, việc chôn cất thời cúng đều làm đúng đạo lý. Nhà mình đủ làm khuôn phép thì người ngoài mới bắt chước, cho nên trên thì Nhân Tông khen là người có hiếu; dưới thì Minh Tông noi theo khuôn phép mà làm; đưa việc trị nước đến chỗ văn minh, đưa phong tục đến chỗ giàu có đông đúc. Đó chẳng phải là gốc của việc thân tu dưỡng thì nhà tề chỉnh đó sao?”.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí viết về ông như sau: “Vua khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chính, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ, đáng khen. Nhưng vua họp thầy tu ở chùa Yên Tử, làm nhọc sức dân ở am Ngọa Vân, chưa khỏi có vết nhỏ, nên nhà làm sử mới chê”.
Sự xuất hiện của cô gái người Hồ
Được coi là minh quân, nhưng sử sách vẫn chê Trần Anh Tông có lỗi nhỏ là sùng đạo Phật, sách Đại Nam quốc sử diễn ca viết:
Ví không mến Phật, say thiền,
Cũng nên một đấng vua hiền Đông A.
Một chuyện nữa vua cũng bị chê, đó là lấy con gái nhà sư ngoại quốc, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Tân Hợi (1311), vua “lấy con gái của nhà sư người Hồ là Du Chi Bà Lam vào cung. Nhà sư đã sang nước ta vào thời Nhân Tông, vẻ người già nua, tự nói là 300 tuổi, có thể ngồi xếp bằng nổi trên mặt nước, lại có thể thu cả ngũ tạng lên ngực, làm cho trong bụng lép kẹp, chỉ còn da bụng và xương sống thôi. Sư chỉ ăn lưu hoàng, mật, rau dưa, ở mấy năm thì về nước, đến nay lại sang nước ta. Vua lấy con gái sư là Đa La Thanh vào cung”.
Sách Việt sử tiêu án viết ngắn gọn như sau: “Vua lấy con gái thầy tăng người Hồ vào cung. Thầy tăng này vẻ mặt già, cổ kính, tự nói là đã 300 tuổi, đi được ở trên mặt nước, lại có thể thu gọn cả ngũ tạng lên trên lồng ngực để cho trong bụng trống rỗng; chỉ ăn lưu hoàng, mật, rau cải và hẹ”.
|
Điệu múa của người Hồi (Tranh minh họa) |
Tác giả sách Đại Việt sử ký tiền biên khi chép sự kiện này, có lời bình rằng: “Xét thấy nhà Trần sùng Phật lễ, tăng, cho nên những nhà sư có tên tuổi, có phép thuật gần xa theo chân nhau đến. Đời Minh Tông lại có một nhà sư tên là Bồ Đề Thất Lý sang nước ta, cũng có thể nằm ngửa trên mặt nước. Tóm lại đều lấy thuật tà ảo để mê hoặc tai mắt nhất thời tín chuộng và cho là thần thông. Anh Tông thu nhận con gái của nhà sư làm cung tần thì bỉ lậu quá lắm”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết về sự kiện này và dẫn lời bàn của sử gia triều Lê là Ngô Thì Sĩ như sau: “Nhà Trần sùng Phật kính sư để cầu được phúc, sự mê hoặc không cần phải nói. Nay Anh Tông lấy con gái thày chùa sung làm phi tần thì nhảm nhí quá!”.
Phi tần Đa La Thanh chỉ là tên phiên âm ra theo Hán tự còn tên thực là gì không rõ, tuy đến từ phương Bắc nhưng bà không phải là người Trung Quốc mà là người Hồ, một sắc dân nay thuộc khu vực Trung và Tây Á, sử sách từ thời Đường thường gọi là Hồ nhân, Hồ nhi.
Như vậy Đa La Thanh chính là phi tần duy nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam có nguồn gốc cách xa lãnh thổ nước Việt, bà đến từ một nơi ngày nay tương ứng với các quốc gia Hồi giáo Ả rập.
Lê Thái Dũng