Ngồi với Mai Hương ở một góc nhỏ mùa chò nâu rơi như những điệu nhạc một chiều Sài Gòn cuối tháng 4, chuyện trò cùng cô, mới thấu hiểu tại sao mọi người hay gọi Hương bằng những cụm từ mỹ miều “mỹ nữ start-up”, “người đẹp khởi nghiệp”...
Nhiệt huyết trong cô gái này luôn nóng và nóng. Ở cô, khí chất của phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt là phụ nữ đẹp thể hiện qua cả ánh mắt nhiều quyết tâm. Quan niệm của Hương về công việc, đôi khi đơn giản đến khó tin “cứ để thành quả lên tiếng...”.
|
Trần Mai Hương - một đại diện của thế hệ phụ nữ trẻ thành công trong làng thời trang Việt. |
Ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhưng Mai Hương lại là cái tên được nhắc đến như một đại diện của thế hệ phụ nữ trẻ thành công trong làng thời trang Việt.
Cô chính là nhà đồng sáng lập Coco Sin - thương hiệu fast-fashion (thời trang nhanh) đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2012, khi những “ông lớn" về fast-fashion như H&M, Zara vẫn chưa có mặt. Với những người ưa chuộng làm đẹp cho mình, có lẽ Coco Sin không là cái tên xa lạ.
Hương nói về đứa con tinh thần đầu tiên của mình như một lời chia sẻ: "Đây là một dự án fashion-tech đầu tiên đánh dấu sự chuyển mình của fashion e-commerce mà tôi tâm đắc. Thiết kế một không gian mua sắm tích hợp công nghệ rất khác với cửa hàng bán lẻ bình thường. Cửa hàng vừa phải đảm bảo bắt mắt và tạo được không khí mua sắm, vừa phải mang tính hướng dẫn và khuyến khích khách hàng khám phá, tương tác với công nghệ. Để làm được điều này cần sự kết hợp tinh tế giữa phối cảnh, âm nhạc, hình ảnh và cách bố trí các thiết bị công nghệ".
Ai đã từng ghé mua sắm ở đây, mới cảm nhận được hết tính cầu toàn trong từng chi tiết của Hương, giữa lúc chúng ta có thói quen mua sắm thời trang với một hành động quen thuộc nhất “đến, thử và mua...”.
Nhưng điều làm mọi người nhắc nhớ đến Mai Hương nhiều nhất, không phải là thương hiệu thời trang nhanh này, mà chính là Fiber - một dự án khởi nghiệp về thủ công mỹ nghệ có tính cộng đồng cao.
Những sản phẩm từ Fiber là hàng thời trang từ cói và lục bình - một loại nguyên liệu luôn được khách hàng quốc tế đánh giá cao, ít ra về mặt bền vững với môi trường.
Hương tìm đến Thanh Hóa như một cơ duyên của nghề, mà theo Hương “như một sự đưa đẩy của số phận”, bạn của Hương có gia đình sản xuất ngành nghề này, đó có lẽ là định mệnh.
“Hương yêu những sản phẩm mỹ nghệ vô cùng, nhưng hầu như tại nước mình, đa phần những sản phẩm ấy có mẫu mã đơn giản và ít bắt mắt. Vì vậy bản thân Hương phải làm một điều-gì-đó để có thể đưa hàng thủ công mỹ nghệ đi xa hơn, nhất là trong thị trường thời trang quốc tế luôn khắt khe và khốc liệt”.
|
Ở Hương luôn có nụ cười tự tin và nhiều quyết tâm. |
Hiện tại, những con số mà Fiber mang lại chính là “cứ để thành quả lên tiếng...” mà Hương hay nhắc đi nhắc lại trong hành trình công việc của mình.
Theo Hương, Fiber là một doanh nghiệp sản xuất nhỏ tinh gọn, chú trọng đến tính sáng tạo của sản phẩm, nhằm hướng đến đối tượng khách hàng (nhà bán lẻ) là những người có gu thẩm mỹ, chuyên các sản phẩm về phong cách sống hay các sản phẩm theo bộ sưu tập.
Fiber hiện đã có 27 khách hàng nhập khẩu thường xuyên từ Mỹ, Anh, Đức, Australia, New Zealand, Nhật Bản và châu Âu. Lượng đơn hàng đều đặn mang đến nguồn thu ổn định cho hơn 30 thợ toàn thời gian, và 500 hộ gia đình ở Thanh Hoá. Giai đoạn 2016 – 2017, tăng trưởng nhân công đạt 30%. Doanh thu xuất khẩu một năm gần nửa triệu USD với khoảng 40 đơn hàng.
Hỏi Hương về những khó khăn của mình khi khởi nghiệp, Hương cười cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh thời trang đó là bài toán về tối ưu hóa chuỗi cung ứng và quản lý dòng tiền”.
Chia sẻ của cô, có lẽ cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người khởi nghiệp. Nên với Hương, mọi thứ không ngừng lại ở đó, không ngừng lại ở những con số cô đạt được sau khoảng thời gian ngắn ngủi ấy.
Hiện tại, Hương rời công ty và đến sinh sống tại New York để hoàn thành bằng Thạc sĩ ngành bán lẻ thời trang. Tại đây, với đam mê khởi nghiệp, cô cùng một người bạn sáng lập 8870 Link - một công ty tư vấn, kết nối những nhà xuất khẩu sang thị trường Mỹ và ngược lại, giúp các doanh nghiệp Mỹ thăm dò và phát triển tại thị trường Việt Nam.
Start-up này đang đại diện Xinova - một công ty sáng chế công nghệ và innovations có văn phòng tại 7 nước – để thăm dò về nhu cầu giải pháp R&D tại Việt Nam.Trong 2 năm tới, dự án sẽ ưu tiên kết nối các sản phẩm thời trang may mặc, thủ công mỹ nghệ và các nhà máy cà phê, là những sản phẩm Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, và chất lượng dẫn đầu trong khu vực châu Á.
|
Start-up Fiber của Trần Mai Hương mang về nửa triệu USD xuất khẩu mỗi năm. |
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã từng phát biểu “...đặc tính giới, phụ nữ thường gặp khó khăn hơn nam giới trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Những định kiến tồn tại lâu đời liên quan đến gia đình và con cái khiến phụ nữ có ít cơ hội để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cơ hội được đào tạo hay đi giao lưu, học hỏi…”.
Trần Mai Hương thì khác, không muốn đóng khung bản thân trong những gian bếp nhỏ hẹp. Hương mang hình ảnh của một người phụ nữ hiện đại năng động đi ra, đi xa và hội nhập vào biển thời trang bao la của thế giới. Hương chính là hình ảnh của những người phụ nữ dám khẳng định mình bằng tài năng, bằng những dự án khởi nghiệp táo bạo và đầy chất sáng tạo.
Rồi sẽ có nhiều hơn một cái tên Trần Mai Hương được chúng ta nhắc đến và tôn vinh. Bởi một lẽ rằng, cứ để phụ nữ bước ra biển lớn, họ sẽ chứng tỏ khả năng “bơi xa” của mình.
Ái Nhân