Mỹ ngưng viện trợ nhân đạo, hàng triệu người lo lắng

10/02/2025 - 17:37

PNO - Là nhà tài trợ viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới, năm 2024, Mỹ đã phân bổ 13,9 tỉ USD, chiếm 42% tổng số tiền viện trợ được Liên hiệp quốc theo dõi.

Được Tổng thống John F. Kennedy thành lập vào năm 1961 theo Đạo luật Hỗ trợ nước ngoài, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) là cơ quan chính của Chính phủ Mỹ về viện trợ nhân đạo và phát triển quốc tế. Mục tiêu của USAID là giảm nghèo, chống dịch bệnh, cung cấp viện trợ nhân đạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển, đồng thời nâng cao các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.

Hoạt động tại hơn 130 quốc gia, USAID điều hành ở hơn 60 khu vực và có hơn 10.000 nhân viên, trong đó 2/3 làm việc tại nước ngoài. Chính vì thế, sắc lệnh dừng hoạt động viện trợ của Tổng thống Donald Trump đã làm chao đảo các tổ chức nhân đạo trên thế giới. Sự hỗn loạn, lo lắng và sợ hãi bao trùm lên các quốc gia vốn lệ thuộc nhiều vào các nguồn tài trợ từ USAID.

Các chuyên gia cho biết, việc Tổng thống Trump tạm dừng viện trợ và cắt giảm cơ quan viện trợ chính có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của hơn 20 triệu người trên thế giới, bao gồm 500.000 trẻ em. Điển hình là ngay sau lệnh của Tổng thống Trump, nguồn cung cấp thuốc cứu sinh quan trọng đã bị chặn và trẻ em không có thức ăn, phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng, không được tiếp cận các dịch vụ y tế…

Hàng trăm người biểu tình gần Điện Capitol phản đối việc giải thể USAID - ẢNH: BEN DE LA CRUZ (NPR)
Hàng trăm người biểu tình gần Điện Capitol phản đối việc giải thể USAID - Ảnh: BEN DE LA CRUZ (NPR)

Cảnh hỗn loạn đã được nhìn thấy ở nhiều quốc gia khi các tổ chức cứu trợ cảnh báo về nguy cơ gia tăng bệnh tật và nạn đói cùng với hậu quả thảm khốc trong các lĩnh vực như kế hoạch hóa gia đình và giáo dục trẻ em gái. Bên cạnh đó, vô số tổ chức cứu trợ đã buộc phải đóng cửa hoặc sa thải nhân viên. Nhiều dự đoán cho rằng, hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái sẽ tử vong do biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở do hậu quả trực tiếp từ lệnh đóng băng viện trợ này. Trên khắp châu Phi, hàng trăm ngàn trẻ em phụ thuộc vào bữa ăn tại trường đã bị bỏ đói.

Jeremy Konyndyk - Chủ tịch của Refugees International và là cựu quan chức tại USAID - mô tả mong muốn đóng cửa cơ quan này là mối đe dọa hiện hữu đối với lĩnh vực nhân đạo. Nghiên cứu từ Viện Guttmacher nhấn mạnh: 11,7 triệu phụ nữ và trẻ em gái sẽ bị từ chối tiếp cận dịch vụ tránh thai dẫn đến 8.340 phụ nữ và trẻ em gái sẽ tử vong do các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở.

Theo dự đoán của cơ quan phòng chống AIDS của Liên hiệp quốc, hơn 6 triệu người có thể tử vong vì HIV/AIDS trong 4 năm tới nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump cắt nguồn tài trợ toàn cầu cho các chương trình này.

Mặc dù các chương trình phòng chống HIV/AIDS từ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp về phòng chống AIDS (PEPFAR) đã được miễn trừ trong lệnh đóng băng tài trợ viện trợ nước ngoài của Mỹ nhưng bà Christine Stegling - Phó giám đốc điều hành của UNAIDS - cho rằng: vẫn còn nhiều lo ngại về tương lai của các chương trình điều trị. “Có rất nhiều sự nhầm lẫn, đặc biệt là ở cấp cộng đồng, về cách thức thực hiện miễn trừ. Chúng tôi đang chứng kiến ​​rất nhiều sự gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ điều trị” - bà nói.

Bà Christine cảnh báo số ca tử vong do AIDS sẽ tăng 400% nếu nguồn hỗ trợ tài chính của PEPFAR không được tái phê duyệt trong giai đoạn 2025-2029. “Sẽ có 6,3 triệu ca tử vong liên quan đến AIDS trong tương lai... Bất kỳ khoản cắt giảm nào, bất kỳ sự tạm dừng nào, đều có ý nghĩa tiêu cực đối với tất cả chúng ta” - bà cho hay.

Ngày 6/2, Liên đoàn Viên chức chính phủ lớn nhất của Mỹ và Hiệp hội Công nhân dịch vụ đối ngoại Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược quyết định giải thể USAID. Đơn kiện được đệ trình lên Tòa án liên bang Washington D.C với bị đơn là Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ. Các nguyên đơn cáo buộc chính quyền Mỹ đã có các hành vi vi hiến và bất hợp pháp, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu.

Các nguyên đơn cho rằng, không một hành động nào nêu trên được thực hiện theo sự cho phép của Quốc hội - cơ quan duy nhất có quyền giải thể USAID theo luật liên bang. Vì thế, bên nguyên yêu cầu tòa án ra phán quyết khôi phục nguồn tài trợ của USAID, mở lại các văn phòng và chặn các lệnh tiếp theo nhằm vào cơ quan này.

Động thái trên diễn ra chỉ 2 ngày sau khi chính quyền Mỹ thông báo cho tất cả nhân viên USAID nghỉ việc, triệu hồi hàng ngàn nhân viên đang làm việc ở nước ngoài. Theo các nguồn tin, chính quyền Mỹ chỉ có kế hoạch giữ lại 294 nhân viên trong số hơn 10.000 nhân viên trên thế giới của USAID.

Thảo Nguyễn (theo UN, Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI