Mỹ, NATO không ngừng áp sát, Nga sẵn sàng đáp trả xứng đáng

14/05/2016 - 10:54

PNO - Đưa lá chắn tên lửa áp sát Nga nhưng Mỹ thừa nhận không đủ khả năng đánh chặn hạt nhân chiến lược lớn và phức tạp của Moscow.

Mối quan hệ Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã rơi vào tình trạng căng thẳng kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Kể từ đó, Mỹ, Nato chưa bao giờ ngừng áp sát và tăng cường các loại vũ khí khủng bủa vây, trấn áp Nga.

Mới đây, ngày 12/5, Mỹ đã chính thức kích hoạt lá chắn tên lửa đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania. Hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Âu.

My, NATO khong ngung ap sat, Nga san sang dap tra xung dang
Hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romani đi vào hoạt động hôm 12/5.

Mỹ cho hay hệ thống Aegis là lá chắn trên mặt đất để bảo vệ NATO khỏi các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nhất là từ Trung Đông. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh rằng lá chắn trên không nhằm chống lại Moscow.

Cùng thời điểm, Lực lượng Phòng thủ Estonia đưa ra trong một tuyên bố, hai tàu khu trục của Nhóm hải quân Thường trú 1 của NATO hôm 12/5 cũng đã tới Tallinn, Estonia để chứng minh sự hiện diện của khối liên minh quân sự ở vùng biển Baltic.

Như vậy, Mỹ, NATO đang ngày càng tiến đến áp sát Nga khiến cho mối quan hệ với Nga vốn đã căng thẳng nay lại luôn đặt trong mức báo động. Giới chuyên gia dự đoán rằng, mặc dù thời điểm, khả năng bùng phát chiến tranh chưa thể nhận định nhưng rõ ràng trước những bước tiến là mối nguy trực tiếp thì Nga cũng phải có những động thái tương thích.

Về phía Nga, Đô đốc Vladimir Komoyedov, Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga khẳng định: "Họ (Mỹ) đang di chuyển đến tuyến lửa. Đây không chỉ là 100, mà là 200, 300, 1.000 phần trăm nhằm chống lại chúng tôi (Nga)".

Komoyedov, một cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga, phản đối những giải thích của Hoa Kỳ cho rằng, lá chắn được thiết kế để chống lại các mối đe dọa từ Iran và không nhằm vào Moscow.

My, NATO khong ngung ap sat, Nga san sang dap tra xung dang
Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp với các quan chức Nga ngày 13/5. (Ảnh: Reuters)

"Đây là một mối đe dọa trực tiếp với chúng tôi, chứ không phải Iran", ông Komoyedov nói với hãng tin Interfax.

Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống tại Ba Lan được xây dựng tại ở địa điểm cách Kaliningrad (Nga) 250km, Moscow hoàn toàn có lý do để nghi ngờ mục đích thực sự của hệ thống lá chắn tên lửa trên khắp châu Âu. Với chi phí hàng tỷ USD, "chiếc ô phòng thủ tên lửa" này sẽ dễ dàng phát hiện một vụ phóng tên lửa đạn đạo vào không gian.

Nhằm đối phó với thách thức "sát cửa ngõ" của mình, chính quyền Nga cho biết sẽ triển khai một loại vũ khí siêu hiện đại để đáp trả “mối nguy hiểm tiềm tàng”. Theo nhiều chuyên gia, loại vũ khí này có thể là đầu đạn tên lửa siêu thanh U-71 mà hiện nay Nga đang thử nghiệm.

U-17 có thể đạt tốc độ 11.000km/giờ, gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có khả năng đánh sập mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong U-71 có chứa nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, nên có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ “mái vòm thép” của Mỹ.

Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận, hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu không đủ khả năng đánh chặn lực lượng hạt nhân chiến lược lớn và phức tạp của Liên bang Nga và việc phải cộng tác với Nga để đảm bảo sự ổn định khu vực và an ninh toàn cầu là yêu cầu quan trọng.

Đáp lại những đợt đưa quân áp sát, tập trận của Mỹ, NATO nhằm đối phó với Nga, Moscow cũng đã nhiều lần lên tiếng sẽ đáp trả tướng xứng. Lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/5 tuyên bố, Nga sẽ có hành động nhằm vô hiệu hóa các nguy cơ đe dọa an ninh Nga, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vừa được kích hoạt tại tại Châu Âu.

Từ sau việc Nga sáp nhập Crimea, liên minh do Mỹ dẫn đầu luôn tìm cách cô lập và bao vây hải quân Nga ở Biển Đen, nơi NATO cũng đang cân nhắc tăng cường các cuộc tuần tra, không ngừng khống chế, hy vọng làm giảm sức mạnh của "Gấu" Nga.

Mối quan hệ đối đầu Nga - Mỹ càng ngày càng căng thẳng hơn và không có cơ may nào để hạ nhiệt. Tuy nhiên, việc duy trì khoảng cách, kiềm chế cho một cuộc chiến được đánh giá ít nhất còn kéo dài gần 1 năm nữa khi Mỹ có Tổng thống mới. Bởi hiện tại, do Tổng thống Obama đang ở cuối nhiệm kỳ nên có thể nói rằng: không thể xảy ra cuộc chiến Nga - Mỹ, nhưng độ nóng và căng thẳng trong quan hệ các bên thì càng ngày càng nguy hiểm.

Minh Khánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI