Mỹ lo ngại trí tuệ nhân tạo can thiệp vào các phiên tòa liên bang

01/01/2024 - 18:11

PNO - Chánh án Roberts của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bày tỏ sự lo ngại khi trí tuệ nhân tạo dần can thiệp vào các phiên tòa cấp cao ở nước này.

 

Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ John Roberts tại Washington, ngày 7/10/2022 – Ảnh: AP
Chánh án Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ John Roberts tại Washington, ngày 7/10/2022 – Ảnh: AP

Trong báo cáo tổng kết cuối năm, Chánh án John Roberts của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tập trung vào những ưu điểm và thiếu sót của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI) tại các phiên tòa liên bang. Trong báo cáo, Chánh án Roberts gọi trí tuệ nhân tạo là “biên giới công nghệ mới nhất”, đồng thời phân tích những ưu và nhược điểm của nội dung do máy tính tạo ra trong ngành luật. 

Chánh án Roberts viết trong báo cáo: “Việc để AI can thiệp trực tiếp vào công việc pháp lý luôn luôn là ý tưởng tồi. Bất kỳ hành động sử dụng AI nào cũng đòi hỏi sự thận trọng và khiêm tốn”.

Tuy nhiên, vị chánh án cũng thừa nhận rằng AI có thể giúp những người không có nhiều tiền tiếp cận tòa án dễ dàng hơn nhiều. Ông viết: “Những công cụ này có tiềm năng đáng hoan nghênh để giải quyết mọi sự bất tương xứng, giữa các nguồn lực sẵn có và các nhu cầu cấp thiết, trong hệ thống tòa án của chúng ta”.

Trong phần kết của báo cáo năm nay, thẩm phán Roberts so sánh tác động của công nghệ AI trong thể thao với pháp lý: “Tại nhiều giải quần vợt, công nghệ quang học, thay vì con người, giờ đây xác định xem ​​cú giao bóng vào hay ra với tốc độ 130 dặm/giờ. Những quyết định này chính xác đến từng milimet, không có chỗ cho cảm tính; bóng đã chạm hoặc không chạm vạch. Ngược lại, các quyết định pháp lý trong vùng xám vẫn cần áp dụng phán đoán của con người”.

Ông Roberts kết luận: “Tôi dự đoán rằng các thẩm phán con người vẫn sẽ xuất hiện trong một thời gian nữa. Nhưng với sự tự tin tương tự, tôi dự đoán rằng công việc tư pháp, đặc biệt ở cấp độ xét xử, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi AI”. 

Trường An (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI