Mỹ lao đao vì bị Nga lôi kéo mất đồng minh

11/10/2016 - 06:49

PNO - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Nga đã được mời đến lãnh thổ Syria, Nga đang hiện diện ở đó và đang sử dụng các căn cứ quân sự và tất cả các khả năng của mình.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể quyết định xem xét đề xuất của Nga về phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD), kênh NTV cho biết, dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao.

Hôm qua, 10/10/2016, Tổng thống Nga đến Istanbul. Đây là chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên của ông Vladimir Putin kể từ khi hai nước nối lại quan hệ hồi cuối tháng 06/2016, sau 7 tháng bất hòa.

Ông Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị năng lượng toàn cầu tổ chức ở Istanbul và sẽ hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Không có gì là ngạc nhiên khi việc hòa giải được thực hiện qua các hồ sơ về năng lượng. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hơn 50% khí đốt từ Nga. Còn Matxcơva mong muốn tái khởi động dự án đường ống dẫn ga Turkist Stream, ít nhất là để đáp ứng nhu cầu khí đốt của riêng Thổ Nhĩ Kỳ, vì Nga không thể cung cấp khí đốt cho châu Âu.

My lao dao vi bi Nga loi keo mat dong minh
Mỹ lao đao vì bị Nga lôi kéo mất đồng minh

Và cuối cùng, Nga hy vọng tiếp tục xây dựng nhà máy điện nguyên tử Akkuyu mà tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom của Nga đã khởi công vào năm 2015, trước khi dự án bị đình lại. Nhưng chắc chắn hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, từ lâu đã đặt mục tiêu chính là lật đổ chế độ của Tổng thống Bachar al-Assad. Đây là một mũi tên nhắm hai đích vì Thổ Nhĩ Kỳ cũng mong muốn không để cho người Kurdistan ở Syria có được quyền tự trị.

Từ khi hòa giải với Matxcơva, Ankara đã phải lờ đi mục tiêu ban đầu. Và Matxcơva đã ngừng trợ giúp cho người Kurd. Thế nhưng, tất cả những điều này chưa thể dẫn đến việc thay đổi liên minh. Nhưng vị thế mới của Ankara cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gây áp lực lên các nước phương Tây và cho phép Nga chứng tỏ nước này không bị cô lập.

Trong tháng Mười một năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hủy bỏ hồ sơ dự thầu đối với việc sản xuất các linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỷ USD liên quan với quyết định phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.

Hồ sơ dự thầu để mua linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa 4 tỷ USD được Thổ Nhĩ Kỳ công bố năm 2009. Thắng thầu được công bố vào tháng Chín năm 2013 là công ty Trung Quốc CPMIEC, đưa ra mức giá  3,4 tỷ USD. Ngoài công ty Trung Quốc, tham gia đấu thầu còn có tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ, nhóm Eurosam của Ý và tập đoàn Rosoboronexport của Nga.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ bàn về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong cuộc khủng hoảng Syria

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Sputnik, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim bình luận về cuộc khủng hoảng Syria và tình hình trong khu vực. Ông đặc biệt lưu ý: "Tình hình ở Syria là khá phức tạp. Chế độ Assad đã chính thức mời Nga đến lãnh thổ Syria, Nga đang hiện diện ở đó và đang sử dụng các căn cứ quân sự và tất cả các khả năng của mình. Mỹ đứng đầu một liên minh đã được thành lập để chống lại Daesh trong khu vực. Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia có liên quan trực tiếp đến các sự kiện trong khu vực và cũng đang nỗ lực để thiết lập sự kiểm soát trong khu vực và chấm dứt cuộc nội chiến xảy ra ở đây".

Theo ông Yildirim, hành động của Nga và Mỹ thiếu sự phối hợp và điều đó làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực. Một yếu tố tiêu cực là chân không ý chí chính trị đã hình thành ở Mỹ trước thềm cuộc bầu cử sắp tới. Trong tình huống này Ankara có thể áp dụng những biện pháp nào?

Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: "Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là đoàn kết thống nhất Nga, Hoa Kỳ và Iran. Saudi Arabia cũng có thể tham gia quá trình này. Bằng cách này có thể chấm dứt cảnh đổ máu ở khu vực và ngăn chặn cái chết của những người dân vô tội. Điểm quan trọng thứ hai là nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, bảo đảm an toàn cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ sống trên những vùng lãnh thổ này. Vì mục đích này chúng tôi đã bắt đầu thực hiện chiến dịch "Lá chắn Euphrates". Mục tiêu của chúng tôi là đẩy lùi các phần tử khủng bố đang lộng hành ở đó ra khỏi biên giới càng xa càng tốt, và đảm bảo cấp độ an ninh cần thiết".

My lao dao vi bi Nga loi keo mat dong minh
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng lập trường của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về một số vấn đề ở Syria đang 'xích lại gần nhau'.

Ông cũng cho hay: "Cuộc nội chiến vẫn đang tiếp tục. Mỗi bên đều đấu tranh cho "nền độc lập". Các bên liên tục cáo buộc lẫn nhau. Đại diện của phe đối lập nói rằng: "Chúng tôi đang bảo vệ đất nước mình khỏi chế độ độc tài của Assad. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ những người dân Sytia. Không có cách nào khác để phản ứng trước các hành động của chế độ độc tài đang cố gắng đuổi chúng tôi khỏi vùng đất quê hương, đang ném bom xuống chúng tôi! Đây là cuộc đấu tranh của chúng tôi".

Tuy nhiên, kết quả là những người dân thường đang đau khổ vì chiến tranh. Những người sống ở Mỹ cũng như những người sống ở Nga không thể hiểu được và cảm nhận nỗi đau này. Nhưng, chúng tôi hiểu được vì Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của khu vực. Vì vậy, chúng tôi hiểu tốt hơn cả nỗi đau của Syria. Và chúng tôi đang làm mọi thứ tùy theo khả năng của mình để tìm một giải pháp cho vấn đề này".

Trước đây Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những khác biệt trong chính sách theo hướng Syria. Bây giờ hai bên tiếp tục đối thoại về vấn đề này. Bình luận về vấn đề này, ông Binali Yildirim cho biết: "… Nga cho rằng, hành động của chúng tôi trong khuôn khổ chiến dịch "Lá chắn Euphrates" là hợp lý và công bằng. Do đó, có thể nói rằng, so với quá khứ, trong quá trình bình thường hóa quan hệ sau sự cố với chiếc máy bay Nga, lập trường của hai bên về một số vấn đề khu vực đang xích lại gần nhau.

Nếu nói về tình hình Aleppo, thì ở đó đang xảy ra một thảm họa nhân đạo, không có đủ lượng nước để đáp ứng nhu cầu của hàng chục ngàn người dân vô tội, họ không thể sống giữa yên bình vì những vụ đánh bom không ngừng. Tất cả các quốc gia có liên quan đến điều đó đều chịu trách nhiệm về cảnh tượng này. Cần phải chú ý lắng nghe tiếng nói của cư dân Aleppo đang yêu cầu sự giúp đỡ. Chúng tôi cho rằng, trong vấn đề này, Syria và Liên bang Nga phải đảm nhận trách nhiệm lớn".

Minh Đức


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI