Mỹ lần đầu tiên cho phép xét nghiệm COVID-19 bằng hơi thở

15/04/2022 - 19:32

PNO - Hôm 14/4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp thiết bị xét nghiệm COVID-19 đầu tiên có thể phát hiện virus này trong mẫu hơi thở, và cho kết quả trong vòng vài phút và với độ chính xác cao.

“Phát minh vừa được phê duyệt này một lần nữa cho thấy sự phát triển nhanh chóng trong việc chế tạo các dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19”, Jeff Shuren - Giám đốc Trung tâm Thiết bị và y khoa phóng xạ (CDRH) thuộc FDA - cho biết trong một thông cáo.

Phát minh mới cho phép phát hiện
Phát minh mới cho phép phát hiện COVID-19 bằng hơi thở trong vòng vài phút

Thiết bị xét nghiệm COVID-19 bằng hơi thở này, có tên Breathalyzer, có kích thước bằng một kiện hành lý xách tay, có khả năng cho kết quả trong vòng chưa đầy 3 phút, và có thể được sử dụng trong các phòng mạch của bác sĩ, các bệnh viện và các địa điểm xét nghiệm di động. Người sử dụng thiết bị cần phải được đào tạo. Một thiết bị có thể phân tích khoảng 160 mẫu mỗi ngày.

Bà Yvonne Maldonado - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Stanford, người đang sử dụng thử nghiệm một thiết bị Breathalyzer - nói rằng việc có nhiều lựa chọn về phương thức xét nghiệm sẽ tạo ra sự thuận lợi cho giai đoạn sống chung với COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Thiết bị này đã được thử nghiệm trong một nghiên cứu với 2.409 cá nhân có và không có triệu chứng nhiễm COVID-19. Kết quả cho thấy, thiết bị giúp chẩn đoán chính xác đến 91% đối với các mẫu dương tính, và 99% đối với các mẫu âm tính.

Thiết bị Breathalyzer sử dụng một kỹ thuật được gọi là hệ thống sắc ký khí khối phổ (gas chromatography–mass spectrometry), phân tách và nhận diện các hỗn hợp hóa học để phát hiện 5 hợp chất liên quan đến COVID-19 trong hơi thở ra của con người. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, thì cần được xác nhận lại bằng các phương thức xét nghiệm phân tử, chẳng hạn như PCR.

FDA cũng khuyến cáo rằng, ngay cả khi xét nghiệm bằng Breathalyzer cho kết quả âm tính, thì cũng cần xem xét thêm các yếu tố khác - như lịch sử tiếp xúc với các trường hợp bị nhiễm COVID-19, các triệu chứng lâm sàng liên quan đến căn bệnh này của người được xét nghiệm - để cân nhắc có nên làm thêm xét nghiệm bằng các phương pháp khác hay không.

“Không nên chỉ dựa vào thiết bị này như là cơ sở duy nhất để đưa ra các quyết định điều trị, hoặc quản lý bệnh nhân, hoặc kiểm soát việc lây lan của COVID-19”, FDA cho biết.

InspectIR - công ty chế tạo thiết bị Breathalyzer - cho biết ​​có thể sản xuất khoảng 100 máy mỗi tuần.

Nhất Nguyên (theo The New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI