Mỹ là nước gây ô nhiễm nhựa lớn nhất thế giới

02/12/2021 - 13:26

PNO - Với 42 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, Mỹ tạo ra nhiều chất thải hơn tất cả các nước EU cộng lại, và quốc gia này cần nhanh chóng có một chiến lược mới nhằm cắt giảm lượng rác nhựa thải ra đại dương, theo một báo cáo mới được đệ trình lên chính phủ Liên bang Mỹ.

“Sự ra đời của chất dẻo giá rẻ, đa năng đã tạo ra một cơn đại hồng thủy rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu mà chúng ta có thể nhận thấy ở hầu khắp mọi nơi”, báo cáo cho biết.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang và đeo túi nhựa kéo một chiếc xe chở đầy túi rác tái chế qua các đường phố ở Lower Manhattan
Người phụ nữ đeo khẩu trang và túi nhựa kéo một chiếc xe chở đầy túi rác tái chế qua các đường phố ở Lower Manhattan

Mỹ hiện là nước đứng đầu thế giới về lượng sản phẩm nhựa dùng một lần thải ra môi trường. Lượng chất thải này thường có “điểm đến cuối cùng” là đại dương, gây thiệt hại cho hệ sinh thái biển, và tạo ra sự ô nhiễm thông qua chuỗi thức ăn.

Lượng rác thải nhựa đã tăng mạnh ở Mỹ từ năm 1960. Hiện, quốc gia này đang tạo ra khoảng 42 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, tương đương mỗi người tạo ra khoảng 130kg. Con số này nhiều hơn tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu cộng lại. Theo báo cáo, tổng lượng rác thải đô thị được tạo ra ở Mỹ cũng gấp từ 2 đến 8 lần so với các nước có quy mô tương đương trên thế giới.

Năng lực tái chế rác thải không theo kịp với tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất nhựa ở Mỹ được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên.

Việc xả rác, đổ rác và xử lý chất thải không hiệu quả tại các bãi chôn lấp đã làm cho khoảng 2,2 triệu tấn nhựa - dưới nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ chai nhựa, ống hút đến bao bì - bị “đẩy” ra môi trường mỗi năm. Phần lớn chất thải nhựa này sẽ trôi theo các con sông, dòng suối và cuối cùng đổ ra các đại dương trên thế giới.

Trên toàn thế giới, ít nhất 8,8 triệu tấn rác thải nhựa được đổ vào môi trường biển mỗi năm, tương đương mỗi phút có một xe rác chứa đầy nhựa bị đổ ra biển. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, các nhà khoa học ước tính tổng lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể tăng lên 53 triệu tấn trong 2030, bằng một nửa tổng sản lượng cá đánh bắt được từ các đại dương trên toàn cầu mỗi năm.

Đạo luật không ô nhiễm nhựa được đề xuất, được đưa ra bởi các nhà lập pháp Dân chủ, sẽ là quy định tham vọng nhất mà ngành công nghiệp nhựa của Hoa Kỳ từng thấy
Đạo luật hạn chế ô nhiễm nhựa, được các nhà lập pháp Dân chủ đề xuất, sẽ là quy định tham vọng nhất mà ngành công nghiệp nhựa của Hoa Kỳ từng thấy

“Rác thải nhựa là một cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội mà nước Mỹ cần phải giải quyết dứt điểm từ nguồn xả thải đến các lòng đại dương.

Chất thải nhựa do Mỹ tạo ra để lại rất nhiều hậu quả, tác động đến các cộng đồng đang sinh sống trên đất liền và ven biển, gây ô nhiễm sông, hồ, bãi biển, các vịnh và đường thủy, tạo thêm áp lực kinh tế và xã hội cho những nhóm dân cư dễ bị ảnh hưởng. Nó còn gây nguy hiểm cho môi trường sinh thái và động vật tự nhiên ở biển, làm ô nhiễm những vùng nước mà con người sinh sống nhờ đó”, bà Margaret Spring - giám đốc khoa học và bảo tồn của Monterey Bay Aquarium, và là người đứng đầu một ủy ban gồm các chuyên gia nghiên cứu thực hiện báo cáo - cho biết.

Theo khuyến nghị của ủy ban này, Mỹ cần phải có một chiến lược quốc gia mới trước cuối năm 2022, nhằm ngăn chặn dòng chảy của nhựa vào đại dương. Báo cáo của ủy ban cũng nêu rõ, chiến lược này nên hướng đến việc cắt giảm sản xuất nhựa, nhất là nhựa không thể tái sử dụng hoặc tái chế, thúc đẩy việc chế tạo các vật liệu thay thế nhựa có thể được tái sử dụng, và xây dựng các tiêu chuẩn tốt hơn trong việc thu gom và xử lý chất thải.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI