Mỹ không thể cứu châu Âu trước sóng thần tị nạn

19/11/2015 - 07:57

PNO - Tổng thống Obama vẫn khẳng định nhận 10.000 người tị nạn Syria. Tuy nhiên, cách Mỹ đón nhận sẽ không giống với EU.

Cách Mỹ đón nhận người tị nạn

Ngày 17/11/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, sẽ đón nhận 10.000 người tị nạn Syria tới Mỹ trong năm 2016. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh những con người này là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, và nước Mỹ sẽ dang rộng vòng tay với họ.

Tất nhiên, ông Obama phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích. Các nghị sỹ phe Cộng hòa của Mỹ khẳng định những gì xảy ra ở Paris là bài học cảnh tỉnh với nước Mỹ, và Washington sẽ phải phòng bệnh, hơn là chữa bệnh. Trong khi đó, ít nhất 20 bang của Mỹ tuyên bố sẽ không chứa chấp bất kỳ người tị nạn nào của Syria.

Tổng thống Obama không thay đổi quyết định, nhưng 10.000 người tị nạn may mắn được đến với nước Mỹ sẽ không mang tính ngẫu nhiên, mà phải trải qua một cuộc tuyển chọn khắt khe. Đầu tiên, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn sẽ lựa chọn kỹ càng và đưa ra một bản danh sách từ các nạn nhân ở một số nước Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan...

Tiếp đến những người có tên trong bản danh sách này sẽ được kiểm tra tại các cơ quan An ninh nội địa Mỹ, lấy dấu vân tay, kiểm tra nhân thân, và chờ đợi xác minh của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Toàn bộ thủ tục này sẽ kéo dài 18 - 24 tháng. Đặc biệt, trong 10.000 người này có tới hơn 50% là trẻ em, và chỉ có 2% là nam giới ở độ tuổi thanh niên.

Mỹ không thể cứu châu Âu trước sóng thần tị nạn

Phải nói rằng, cách mà nước Mỹ đón nhận người tị nạn khác hẳn với cách mà đồng minh EU của họ phải đón nhận. Thực tế cho thấy từ năm 2011 tới tháng 11/2015, Mỹ chỉ tuyển chọn 2.000 người đủ điều kiện tị nạn tại lãnh thổ của họ. Con số này là quá khiêm tốn so với những gì mà châu Âu đang đón nhận.

My khong the cuu chau Au truoc song than ti nan
Người tị nạn đi bộ hơn 1,6km trên một cao tốc của Hungary.

Bản thân Washington cũng từng kêu gọi châu Âu không nên đóng sập cánh cửa với những người tị nạn, cần cảm thông với họ và dừng việc đánh đồng những nạn nhân này là khủng bố. Tuy nhiên, nước Mỹ đang không rơi vào tình cảnh của châu Âu. 

Theo công bố của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ước tính trong năm 2015, sẽ có khoảng 700.000 người nhập cư tràn vào châu Âu qua biển Địa Trung Hải và con số này có thể còn tăng hơn trong năm 2016. 

Đây được ví như một cuộc khủng hoảng khác của châu Âu, tác động sâu đậm đến lĩnh vực kinh tế của liên minh EU, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực này mới chỉ trong đà phục hồi mong manh. Đồng thời, việc EU đang là đích ngắm của các hành động khủng bố dã man mà IS theo đuổi, làn sóng nhập cư này cũng đã tác động nghiêm trọng đến vấn đề an ninh của các quốc gia trong EU.

Trong cơn ác mộng Paris đêm 13/11 vừa qua, đã có 2 kẻ khủng bố tình nghi mang hộ chiếu Syria trà trộn vào Pháp theo những người tị nạn.

Thêm nữa, những vấn đề mở lòng hay nhẫn tâm với những người tị nạn đang khiến nội bộ EU nói chung và nội các mỗi nước thành viên bị chia rẽ nghiêm trọng. Thậm chí, sau đêm kinh hoàng 13/11 của Paris, nội các Pháp đã nghĩ đến việc đuổi cổ tất cả những người tị nạn và bắt giam mọi đối tượng trong diện tình nghi hoặc những người theo Đạo Hồi trên đất Pháp có lý lịch không tốt.

Sự bất đồng này mới là vấn đề nguy hiểm nhất đối với EU. Bởi không có sự thống nhất hành động, chính làn sóng tị nạn này sẽ làm EU tan rã và thậm chí là sụp đổ.

My khong the cuu chau Au truoc song than ti nan
Một tàu chở người tị nạn vượt Địa Trung Hải vào châu Âu.

Bất chấp việc Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra hàng loạt giải pháp như cho phép dùng vũ lực với các tàu buôn người, lập trại tị nạn bên ngoài châu Âu, tăng cường kiểm soát biên giới và phân loại người tị nạn... thì làn sóng này vẫn đang tràn vào lục địa châu Âu như một cơn sóng thần vô phương cứu chữa.

Thuốc tiên cho EU vào lúc này là cuộc khủng hoảng ở Syria kết thúc và xóa sổ Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên, đây là giấc mơ mà cả Mỹ hay bất kỳ nguyên thủ châu Âu nào có nằm mơ cũng không mơ nổi.

Pháp - quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất đến lúc này vì khủng bố đã hành động mạnh tay. Họ liên kết với Nga, trao đổi thông tin tình báo, thống nhất các hoạt động không kích.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI