Bản kế hoạch 100 ngày làm việc đầu tiên do Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử - Donald Trump - công bố khẳng định ông sẽ không theo đuổi Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại hội nghị APEC vừa diễn ra tại Peru, lãnh đạo 12 nước tham gia TPP cũng không nhắc gì đến hiệp định này. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama hầ u như không có bất kỳ động thái nào thúc đẩy Quốc hội Hoa Kỳ thông qua TPP.
Nói như các chuyên gia phân tích quốc tế, việc hủy bỏ TPP của ông Trump - vị tổng thống quyền lực nhất của siêu cường số 1 thế giới - chính là món quà lớn nhất mà ông tặng cho Trung Quốc.
Trước những thắc mắc của độc giả xoay quanh TPP và tác động của nó đối với Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa - Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright. Ông cho biết:
|
Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa - Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright. |
“Việc hủy bỏ TPP sẽ khiến Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh quốc tế khi cơ hội được giảm thuế vào thị trường Mỹ, một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, không còn. Theo dự báo, khi ông Donald Trump triển khai việc khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Mỹ sẽ khiến giá dầu thế giới giảm mạnh và khả năng một số nhà máy lọc dầu của Việt Nam phải đóng cửa là điều có thể xảy ra. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may, giày dép… Việt Nam vào Mỹ dưới sức ép cạnh tranh rất lớn của Campuchia, Lào, Myanmar khi hàng hóa của nước bạn được hưởng thuế suất 0% trong khi hàng hóa của ta phải chịu thuế 17%. Đối với thị trường châu Âu, chúng ta vẫn đang bị áp thuế 10%, trở thành bài toán cạnh tranh khó giải. Ngay cả đối với thị trường trong nước, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) cũng đang mở đường cho hàng hóa giá rẻ của các nước ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc tràn ngập thị trường nước ta khi hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2018. Doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam sẽ bị cạnh tranh trên khắp thế giới lẫn trên chính sân nhà”.
* Những ngày qua, khi chưa có TPP, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng đón đầu hiệp định và nay chứng kiến một cuộc “tháo chạy trong hụt hẫng”. Tiến sĩ đánh giá thế nào về làn sóng này?
- Trong xu hướng đón đầu TPP, đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài quyết định rót vốn vào Việt Nam; các doanh nghiệp Việt cũng chuẩn bị mở rộng đầu tư, tăng cường sản xuất. Điều đó đã giúp kinh tế Việt Nam đạt được một số thành tựu, từ thị trường bất động sản đến nguồn vốn, nguồn lao động chất lượng cao, hoạt động ở các KCX-KCN… Thế nhưng hôm nay thì mọi thứ đã trì trệ trở lại.
Ngay cả các dự án đã đăng ký của Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật cũng rất khó để có thể giải ngân được bởi họ đã không còn động lực để đầu tư. Một số người lạc quan từng cho rằng không có TPP cũng không phải là bít lối, bởi nước ta vẫn còn các thị trường khác, vẫn còn các hiệp định song phương với châu Âu và nhiều quốc gia. Điều chúng ta phải biết là các nước cạnh tranh với ta cũng có những hiệp định song phương như vậy.
Chẳng hạn Việt Nam xuất khẩu gì sang Ấn Độ thì Trung Quốc cũng xuất khẩu loại hàng ấy vì cơ cấu hàng hóa của ta và Trung Quốc gần giống nhau và ta đương nhiên ít sản phẩm hơn. Khi hàng hóa các nước tràn ngập thị trường Việt, hậu quả của nó là vô cùng lớn đối với doanh nghiệp Việt và với đời sống người dân. Nếu có doanh nghiệp
Việt hưởng lợi từ việc Mỹ hủy bỏ TPP thì đó chỉ là một số doanh nghiệp ngành sữa, viễn thông, dược khi chưa phải đụng độ với các tập đoàn toàn cầu, vốn lớn, công nghệ cao ngay trên thị trường nội địa. Chẳng hạn đàn bò sữa Việt Nam với sản lượng trung bình khoảng 15 lít sữa mỗi ngày sẽ khó mà cạnh tranh với đàn bò sữa Úc hay New Zealand vốn có thể cho trung bình hơn 34 lít sữa mỗi ngày.
Song điều đó sẽ không tồn tại lâu bởi các tập đoàn đa quốc gia hoàn toàn có thể đưa sản phẩm vào Việt Nam qua các con đường khác và vẫn có khả năng bóp chết các doanh nghiệp Việt.
* Khi đàm phán TPP, chúng ta đã có những cam kết được xem là rất tích cực đối với doanh nghiệp cũng như tương lai phát triển đất nước. Nay không còn TPP, tiến sĩ có cho rằng ta vẫn nên theo đuổi các cam kết này?
- Về mặt chính sách, tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn cần duy trì những cam kết khi đàm phán TPP dù có TPP hay không, bởi đó là những cam kết giúp cho nền kinh tế của chúng ta năng động hơn, minh bạch hơn, phù hợp với các chuẩn mực của thế giới văn minh.
Khi ký kết các hiệp định thương mại trước đây, chính phủ cũng từng cam kết nhiều điều và trên thực tế cũng cam kết với doanh nghiệp khu vực đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước về những chính sách giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả. Nhưng TPP là một chuẩn mực cao hơn và rộng hơn mà chúng ta phải đạt đến để tự cường và phát triển.
Thách thức là cực lớn nhưng ta không còn cách nào khác là phải chấp nhận và vượt qua. Muốn như vậy, chúng ta phải đánh giá đúng mức năng lực của mình, đưa ra được những chính sách đầu tư, cạnh tranh, bảo hộ hiệu quả đối với doanh nghiệp Việt Nam và sản phẩm trong nước. Tôi không quá bi quan, nhưng cũng không lạc quan tếu trước những gì sẽ đến.
Doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trước đối thủ các nước. Sau lưng doanh nghiệp phải là một chính phủ mạnh với các chính sách phù hợp để doanh nghiệp đủ sức đứng vững, vươn lên trong cuộc chơi toàn cầu.
Tôi biết điều này không thể dễ dàng thực hiện trong năm hay mười năm, nhưng đó là cái phải làm và phải làm cho được; hoặc chúng ta sẽ bị đào thải. Có TPP, chúng ta phải mạnh mẽ hơn. Không có TPP, chúng ta vẫn phải mạnh mẽ hơn và vẫn phải là một đối tác đáng tin cậy của bạn hàng các nước.
* Xin cảm ơn tiến sĩ.
Thành Nhân (thực hiện)