Vũ khí laser chống máy bay
Hình ảnh và video do Hải quân cung cấp cho thấy tàu vận tải đổ bộ USS Portland kích hoạt "hệ thống laser lớp năng lượng cao" để vô hiệu hóa máy bay không người lái trên không.
Các hình ảnh cho thấy tia laser phát ra từ boong tàu chiến. Các video clip ngắn cho thấy những gì dường như là máy bay không người lái bốc cháy ngay sau đó.
Hải quân không đưa ra địa điểm cụ thể của cuộc thử nghiệm trình diễn hệ thống vũ khí laser (LWSD), chỉ nói rằng nó xảy ra ở Thái Bình Dương vào ngày 16/5.
Sức mạnh của vũ khí không được tiết lộ, nhưng một báo cáo năm 2018 của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết chùm tia laser có mức năng lượng 150 kilowatt.
|
Video do Hải quân Mỹ cung cấp cho thấy chùm tia laser công suất lớn được bắn ra từ tàu chiến ở Thái Bình Dương |
Đại úy Karrey Sanders, chỉ huy của tàu Portland, tuyên bố: "Bằng cách tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển chống lại thiết bị bay không người lái và máy bay nhỏ, chúng tôi sẽ có được thông tin giá trị về khả năng của LWSD chống lại các mối đe dọa tiềm tàng.
Với khả năng tiên tiến mới này, chúng tôi đang định nghĩa lại chiến tranh trên biển cho Hải quân".
Hải quân nói rằng chùm tia laser - gọi là vũ khí năng lượng trực tiếp (DEW), có thể là hệ thống phòng thủ hiệu quả chống lại máy bay không người lái hoặc tàu vũ trang nhỏ.
Sự phát triển các DEW của Hải quân như LWSD mang lại lợi ích ngay lập tức và cung cấp cho người chỉ huy nhiều tùy chọn quyết định.
Năm 2017, CNN ghi nhận một cuộc tập trận bắn đạn thật bằng vũ khí laser 30 kilowatt trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce ở vịnh Ba Tư. Vào thời điểm đó, Trung úy Cale Hughes, một sĩ quan hệ thống vũ khí laser, đã mô tả cách vũ khí hoạt động:
"Vũ khí phóng lượng lớn photon năng lượng vào một vật thể. Chúng tôi không quan tâm về gió, phạm vi, hay bất cứ điều gì khác. Chúng tôi có thể tấn công các mục tiêu với tốc độ ánh sáng".
Mỹ có thể mở lại chương trình thử vũ khí hạt nhân
Tờ Washington Post đưa tin hôm 22/5, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thảo luận về việc tổ chức vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1992, như một lời cảnh báo nhắm vào Nga và Trung Quốc.
Một thử nghiệm như vậy sẽ là sự khởi đầu đáng kể cho chính sách quốc phòng của Mỹ và khiêu khích các quốc gia vũ trang hạt nhân khác. Một nhà phân tích nói rằng nếu được thực hiện, nó sẽ là "phát súng khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân chưa từng có".
Bài báo dẫn lời một quan chức cấp cao và hai cựu quan chức, tất cả đều nặc danh, cho biết cuộc thảo luận diễn ra tại một cuộc họp vào ngày 15/5.
|
Mỹ đang xem xét mở lại chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân để "răn đe" Nga và Trung Quốc |
Thông tin nổi lên sau khi một số quan chức Mỹ thông báo rằng Nga và Trung Quốc đang tiến hành các thử nghiệm hạt nhân công suất thấp. Moscow và Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc, và Mỹ cũng không đưa ra bằng chứng thuyết phục.
Bài báo của Washington Post được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng ông dự định rút Mỹ khỏi hiệp ước “Bầu trời mở” với Nga - vốn được thiết kế để cải thiện tính minh bạch và hệ thống thông tin quân đội giữa các siêu cường.
Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí thứ ba mà Tổng thống Trump tìm cách bãi bỏ kể từ khi nhận vị trí ông chủ Nhà Trắng.
Nhiều cuộc tranh luận đã dấy lên trong Nhà Trắng suốt một tháng qua nhằm quyết định có nên thử nghiệm hạt nhân trở lại sau 28 năm hay không, theo The Guardian.
Nội dung dự định trên được tờ Washington Post hé lộ lần đầu tiên ngày thứ Sáu (22/5), trích dẫn lời một quan chức chính quyền cấp cao cho biết Mỹ có thể tiến hành một “thử nghiệm nhanh”, và đây có thể là biện pháp thương lượng hiệu quả trong việc đạt được ưu tiên trong thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, người này cũng nhấn mạnh, việc thử nghiệm hạt nhân vẫn “đang được thảo luận thêm” và chưa có kết luận chính thức.
Ông Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, bày tỏ quan ngại, “đây có thể là lời mời gọi đối với các nước vũ trang hạt nhân khác và là phát súng khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân chưa từng có trước nay”. Lần cuối Mỹ tiến hành nổ thử hạt nhân là từ tháng 9 năm 1992. Giống như ông Kimball, nhiều người quyết liệt phản đối, đồng thời cảnh báo nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn nếu quyết định nối lại thử nghiệm vào thời điểm này.
Nga đã khẳng định sẽ tuân thủ thỏa thuận 18 năm, nhằm tìm cách giảm rủi ro chiến tranh bằng cách cho phép quân đội của các bên ký kết thực hiện một số chuyến bay giám sát nhất định qua một quốc gia thành viên khác mỗi năm.
Các quốc gia châu Âu cũng kêu gọi ông Donald Trump xem xét lại quyết định của mình. Đầu tháng 5, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí mới với Nga, và nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng họ cần tránh một "cuộc chạy đua vũ trang tốn kém".
Tấn Vĩ - Phương Uyên (theo CNN, AFP, Washington Post)