Mỹ hành động nóng tại Biển Đông: Trung Quốc đang run?

10/06/2016 - 16:50

PNO - "Những hoạt động của quân đội Mỹ trên Biển Đông chỉ châm ngòi cho những căng thẳng'' - Đại sứ quán Trung Quốc Chu Hải Quyền nói.

My hanh dong nong tai Bien Dong: Trung Quoc dang run?
Mỹ hành động nóng tại Biển Đông: Trung Quốc đang run?

Trung Quốc đưa ra "lời cảnh báo" Mỹ

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 9/6 đã bác bỏ lập luận của xã luận đăng trên tờ "Wall Street Journal" hôm 3/6

Đồng thời, Trung Quốc cho rằng việc bài báo này kêu gọi quân đội Mỹ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với vấn đề Biển Đông là "thiếu thận trọng và đáng báo động".

Theo Tân Hoa Xã, trong bức thư gửi tòa soạn báo trên, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Chu Hải Quyền nhấn mạnh:

"Những hoạt động của quân đội Mỹ trên Biển Đông chỉ châm ngòi cho những căng thẳng. Những động thái mà xã luận trên đề xuất thậm chí còn thiếu thận trọng và đáng báo động hơn".

Được biết, bức thư này đã được đăng trên trang web của "Wall Street Journal" hôm 9/6 và sẽ xuất hiện trên bản in trong ngày 10/6.

Trong số ra ngày 3/6, tờ Wall Street Journal đã đăng bài xã luận mang tiêu đề "Thách thức Biển Đông". Trong bài này, Wall Street Journal đã kêu gọi Hải quân Mỹ gia tăng mạnh về tần suất cũng như quy mô của các hoạt động tự do hàng hải, để ứng phó trước việc Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan).

Dự kiến phán quyết về vụ kiện tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines sẽ được PCA đưa ra vào tháng 6 này. Theo các chuyên gia dự đoán, kết quả cuối cùng sẽ có lợi đối với Philippines.

My hanh dong nong tai Bien Dong: Trung Quoc dang run?
Kết quả cuối cùng của PCA sẽ có lợi đối với Philippines?

Thế nhưng, trong những tuyên bố gần đây của Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại Shangri-La thể hiện rằng, dường như Trung Quốc không hề quan tâm đến kết quả của PCA. Ông Tôn nhấn mạnh:

“Một mặt, chúng tôi nhận thấy rằng một số nước áp dụng luật pháp quốc tế chỉ khi nào họ cảm thấy họ được hưởng lợi. Mặt khác, thông qua đó, họ (Mỹ) muốn hỗ trợ các đồng minh của họ chống lại Trung Quốc''

Ông này còn lớn tiếng rằng, Mỹ đang quân sự hóa khu vực và: “Trung Quốc phản đối những hành vi như vậy. Chúng tôi không gây ra rắc rối, nhưng chúng tôi không sợ rắc rối”

Đáp trả lại tuyên bố ngang ngược từ phía Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nhận định, Trung Quốc có nguy cơ phải chịu rủi ro khi xây dựng "Trường Thành tự cô lập" bằng hành động bành trướng quân sự ở các vùng biển có tranh chấp.

Ông Ash Carter cũng cảnh báo Trung Quốc về hành vi khiêu khích của nước này ở Biển Đông và cho rằng bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm cải tạo bãi cạn Scarborough trên vùng biển tranh chấp sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Ông Carter nói: “Tôi hy vọng việc này sẽ không xảy ra, bởi nó sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác trong khu vực tiến hành các hành động sẽ không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn gây cô lập Trung Quốc. Mỹ sẽ vẫn là quân đội hùng mạnh nhất và là nhân tố chính yếu đảm bảo an ninh khu vực trong nhiều thập kỷ tới - và điều này là không thể nghi ngờ”.

Như vậy, trước những động thái không mấy tích cực từ phía Trung Quốc, luận điểm mà tờ Wall Street Journal nêu trong bài xã luận "Thách thức Biển Đông" được coi là hợp lý trong chiến lược bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương nói chung, vùng biển Đông và đồng minh Philippines nói riêng.

Mỹ bắt đầu hành động

Việc Trung Quốc bác bỏ lập luận của bài "Thách thức biển Đông'' đăng trên tờ Wall Street Journal hôm 3/6 diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng:

''Nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, đó sẽ là một hành động khiêu khích và gây mất ổn định của Bắc Kinh.''

My hanh dong nong tai Bien Dong: Trung Quoc dang run?
Tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) đang hoạt động trên Biển Đông

Song song với đó, thông tin từ giới chức quân sự Mỹ ngày 7/6 cho biết, Tư lệnh Các chiến dịch Hải quân của nước này, Đô đốc John Richardson, cuối tuần qua đã tới thăm tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) đang hoạt động trên Biển Đông.

Tờ “Thời báo Hải quân” của Mỹ cũng tiết lộ rằng, ngoài tàu CVN-74, Mỹ có kế hoạch đưa chiếc tàu sân bay thứ 2 tới hoạt động ở Biển Đông, đó là tàu USS Ronald Reagan (CVN-76).

Dự kiến, hai siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân này sẽ có chung khoảng thời gian hoạt động ở Biển Đông trước khi chiếc CVN-74 đi Hawaii  tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).

Có thể thấy, trước những hành động mang tính chất cứng rắn từ phía Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp về lãnh thổ trên biển Đông đang khiến Trung Quốc phải quan ngại.

Giới chuyên gia nhận định, việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông có thể sẽ làm hạn chế những hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough (Philippines); đảo Phú Lâm (Hoàng Sa,Việt Nam); Đá Chữ Thập (Trường Sa, Việt Nam), trước khi Trung Quốc thực hiện được ý đồ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Đồng thời, đây cũng được coi là lời ''nhắc nhở'' của Mỹ đối với Trung Quốc trong việc tôn trọng phán quyết của PCA.

Trung Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI