Mỳ gói gây ung thư?

14/11/2016 - 16:02

PNO - Tiếp nối kỳ trước, bác sĩ Lương Lễ Hoàng tiếp tục đem đến người đọc cái nhìn xác thực về mì ăn liền cùng những lời khuyên thiết thực khi sử dụng món ăn này

PV: Gia vị của mì gói thường có vị chua cay. Khẩu vị này có bất lợi gì cho sức khỏe?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Ngoại trừ trường hợp cần tránh mọi kích ứng trên niêm mạc đường tiêu hóa của người đang đau vì viêm loét dạ dày, vị chua cay của mì gói không hại, thậm chí có lợi vì vị chua kích thích tiêu hóa cho người biếng ăn, vị cay làm loãng máu ở người bị stress, cả hai cộng lại thêm tác dụng “phát hản giải biểu” cho người chớm cảm cúm. Nhờ gói mì bớt gặp thầy thuốc trong thời buổi phòng khám quá tải, còn muốn gì hơn?

My goi gay ung thu?
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng.

* Cá nhân bác sĩ có thường dùng mì gói không? Bác sĩ chọn thái độ nào trước những tin đồn như mì gói gây ung thư?

- Hiện nay rõ ràng trên mạng không thiếu những bản tin “bạt mạng” được “sáng tác” bởi tác giả “liều mạng”. Nếu mì gói - món ăn gắn liền với cuộc sống người dân từ thành thị cho đến thôn quê - là món sinh ung thư thì ngành y đã phát hiện từ lâu qua các công trình nghiên cứu. Lời thật khó tránh mất lòng.

Thay vì lo chuyện bò trắng răng trong khi từ quan đến dân đều lơ là với ung thư phổi do thuốc lá, ung thư gan vì xơ gan do rượu bia, ung thư da do tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt… thì tin đồn theo kiểu mì gói gây ung thư đúng là tin thất thiệt - nghĩa là thất thoát cho nhà sản xuất và thiệt hại cho người tiêu dùng. Cá nhân tôi đã, đang và sẽ tiếp tục chọn mì gói làm bạn đồng hành để cung ứng năng lượng mỗi khi sắp hết pin. Tất nhiên phải chọn bạn mà chơi, chọn mặt gửi vàng, chọn hiệu mì gói mà… xơi!

* Ai cũng biết tầm quan trọng của việc đãi cát lọc vàng. Nói nghe dễ nhưng làm không đơn giản chút nào trong bối cảnh nhìn đâu cũng vàng thau lẫn lộn. Khi dùng thực phẩm công nghệ, bác sĩ dựa vào tiêu chí nào để chọn sản phẩm có chất lượng?

My goi gay ung thu?

- Tương tự như trị bệnh, một phác đồ điều trị nếu không hiệu quả không đồng nghĩa với hiệu năng của liệu pháp mà thường vì thầy thuốc yếu tay nghề. Nói cách khác, chuyện tưởng là chuyện chung chung nhưng trên thực tế là chuyện rất cá biệt. Tương tự như thế với ăn uống, một món ăn đã được thử lửa mấy chục năm dài đến độ đi sâu vào lòng người, có khả năng sinh ung thư hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố, từ ý thức trách nhiệm của nhà sản xuất cho đến cơ tạng của người tiêu dùng.

Không thể trăm dâu đổ đầu một chất nào đó được phát hiện trong mì gói. Cũng không thể phát ngôn vô tội vạ để ai ăn gì cũng sợ. Chỉ thành vấn đề khi chất gọi là có hại vượt quá xa định mức an toàn. Đó chính là điểm khác biệt giữa “sản phẩm” chỉ vì lợi nhuận và “tác phẩm” của người yêu nghề.

 Cá nhân tôi, không chỉ nói riêng mì gói, khi chọn thực phẩm công nghệ, tôi cũng sàng lọc như chọn thuốc. Đó là tôi đánh giá gián tiếp qua bề dày lịch sử của nhà sản xuất. Một sản phẩm thiếu chất lượng cho dù có được đánh bóng cách mấy cũng không thể tồn tại cả mấy chục năm. Một nhà sản xuất với uy tín thương hiệu nhiều thế kỷ, thậm chí cả trăm năm, sẽ không đánh đổi danh giá - nghĩa là danh dự và giá trị của họ, cho một nhúm lợi nhuận theo kiểu ăn xổi ở thì.

* Một trong những nét mang cá tính truyền thông của bác sĩ là quan điểm tâm đắc ở cuối chương trình. Xin bác sĩ câu kết của buổi nói chuyện hôm nay.

My goi gay ung thu?

- Theo nhận xét của Tổ chức Y tế Thế giới, yếu tố quan trọng nhất để đánh thức sức đề kháng - ngay cả trong bệnh ung thư trầm kha - là tinh thần lạc quan, vì đó là đòn bẩy để cơ thể phóng thích các nội tiết tố trung hòa stress, bảo vệ tế bào trước độc chất nội tại cũng như ngoại lai, hưng phấn khả năng phục hồi, chống lão hóa trước tuổi… Ly mì gói vừa miệng trong buổi chiều mưa tàn thu bên người tri kỷ chắc chắn hơn xa viên thuốc, vì là chất xúc tác để “cuộc đời vẫn đẹp sao” (Phan Huỳnh Điểu), để “con tim bỗng vui trở lại” (Đức Huy), để “từ đây người biết yêu người” (Văn Cao).

Thùy Linh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI