Mỹ giành trọn giải Nobel kinh tế 2022

10/10/2022 - 18:46

PNO - Cựu giám đốc Fed - Ben S Bernanke, Douglas W Diamond và Philip H Dybvig đã giành được giải Nobel kinh tế năm 2022 cho các nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính.

 

Các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Tore Ellingsen, Hans Ellegren và John Hassler công bố giải Nobel Khoa học Kinh tế năm 2022
Các thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Tore Ellingsen, Hans Ellegren và John Hassler công bố giải Nobel Kinh tế năm 2022

Ngày 10/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm đã xướng tên Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig là những người chiến thắng giải Nobel kinh tế năm 2022. Ba nhà kinh tế từ Mỹ đã giành được giải thưởng vì những công trình “nghiên cứu về hệ thống ngân hàng và các cuộc khủng hoảng tài chính."

Giải thưởng bao gồm khoản tiền mặt trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (gần 900.000 USD) và sẽ được trao vào ngày 10/12.

Thành quả từ nghiên cứu của ba nhà kinh tế học Bernanke, Diamond và Dybvig được công nhận có ý nghĩa quan trọng đối với sự hiểu biết về ngân hàng, các quy định, khủng hoảng ngân hàng và cách kiểm soát khủng hoảng tài chính.

Bernanke là cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed từ năm 2006 đến năm 2014, bao gồm giai đoạn khủng hoảng tài chính 2007-2008. Trong những năm 1980, ông lập luận chính tác động từ ngân hàng đã gây ra cuộc Suy thoái Xanh vào những năm 1930, dẫn đến những tác động đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu.

Học viện Hoàng gia Thụy Điển cho biết: “Những phát hiện của ông giúp phá vỡ sự hiểu biết thông thường và giờ đây đã có được sự hỗ trợ thực nghiệm vững chắc”.

Ba nhà khoa học Mỹ đã đưa ra mô hình về việc người gửi tiền ồ ạt rút tiết kiệm, khiến ngân hàng mất thanh khoản và vỡ nợ
Ba nhà khoa học Mỹ đã đưa ra mô hình về việc người gửi tiền ồ ạt rút tiết kiệm, khiến ngân hàng mất thanh khoản và vỡ nợ

Trong khi đó, Douglas W. Diamond là giáo sư tài chính tại Đại học Chicago, nơi ông chuyên nghiên cứu về các trung gian tài chính, khủng hoảng tài chính và thanh khoản. Còn Philip H. Dybvig là một nhà kinh tế học và giáo sư tài chính ngân hàng tại Đại học Washington ở St. Louis.

Năm 1983, họ đã cùng nhau phát triển mô hình điều hành ngân hàng Diamond-Dybvig. Mô hình cho thấy nhu cầu thanh khoản của những người gửi tiết kiệm, những người muốn sớm nhận lại tiền mặt, mâu thuẫn với nhu cầu của những người đi vay, những người có xu hướng thích các khoản vay có thời gian đáo hạn dài hơn.

Đây là một căng thẳng cơ bản đối với các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng cố gắng chuyển tiền tiết kiệm vào dòng vốn đầu tư, tức là các khoản cho vay.

Trong trường hợp bình thường, ngân hàng có thể cho người vay vay tiền, cung cấp cho họ thời gian đáo hạn dài để trả khoản vay và chỉ giữ một phần nhỏ tiền mặt cho nhu cầu thanh khoản ngắn hạn của khách hàng.

Tuy nhiên, nếu tất cả những người gửi tiền cố gắng rút tiền tiết kiệm của họ cùng một lúc, giống như khi khủng hoảng ngân hàng, thì các ngân hàng sẽ không thể đáp ứng tất cả nhu cầu và sẽ nhanh chóng phá sản.

Mô hình của Diamond và Dybvig cho thấy nguy cơ người gửi tiền đồng loạt đi rút tiết kiệm là một điểm yếu cố hữu đối với hệ thống ngân hàng, bởi vì sự ổn định của ngân hàng phụ thuộc vào những gì người gửi tiền mong đợi những người gửi tiền khác làm. Nếu nhiều người bắt đầu rút tiền tiết kiệm của họ, những người khác cũng muốn rút tiền trước khi ngân hàng hết tiền mặt để chi trả.

Học viện cho biết những đóng góp về mặt học thuật của bộ ba đã tạo nền tảng cho các nghiên cứu hiện đại về ngân hàng, quy định và quản lý khủng hoảng. Những hiểu biết của họ là "vô giá" trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như trong đại dịch COVID-19.

Không giống như các giải thưởng khác, giải thưởng kinh tế không được thành lập theo di chúc của Alfred Nobel năm 1895 mà do ngân hàng trung ương Thụy Điển lập ra để tưởng nhớ ông. Người chiến thắng đầu tiên được chọn vào năm 1969.

Linh La (theo DW, Nobel Prize)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI