Mỹ: Gần 6.000 người tử vong vì COVID-19, vẫn còn tranh cãi chuyện đeo khẩu trang

03/04/2020 - 06:00

PNO - Dù được nhiều nước châu Á áp dụng, nhưng Mỹ vẫn chưa thể thống nhất việc khuyến nghị người dân đeo khẩu trang giữa đại dịch COVID-19.

Khẩu trang: Vô dụng hay hữu ích?

Chuyên gia phẫu thuật tại Mỹ Jerome Adams nhấn mạnh trong bài đăng trên Twitter vào cuối tháng 2 rằng "Hãy dừng mua khẩu trang!”.

Bài đăng được chia sẻ hơn 43.000 lần viết: “Chúng không hiệu quả trong việc ngăn chặn công chúng nhiễm Coronavirus, nhưng nếu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiếu chúng khi chăm sóc bệnh nhân bị bệnh, điều đó sẽ khiến họ và cộng đồng của chúng ta gặp nguy hiểm".

Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đã xuất hiện trước các nhà lập pháp và trả lời thẳng thắn "Không" khi được hỏi mọi người có nên mang khẩu trang như biện pháp phòng dịch.

Adrien Burch - chuyên gia về vi trùng học tại Đại học California, Berkeley, lưu ý rằng dù nhiều ý kiến khẳng định khẩu trang không hữu ích, nhưng chẳng có bằng chứng nào để hỗ trợ cho tuyên bố đó.

Trên thực tế từ đại dịch SARS năm 2003, có thể thấy rằng đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus. Một nghiên cứu về lây truyền cộng đồng ở Bắc Kinh, Trung Quốc cho thấy "việc thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi công cộng có liên quan đến khả năng giảm 70% nguy cơ mắc bệnh SARS", và kể từ sau vụ dịch, chiếc khẩu trang đã trở thành một thói quen trong đời sống của người dân.

Khẩu trang đã từng giúp châu Á vượt qua cuộc khủng hoảng SARS và giờ đây đang thể hiện lợi ích trong đại dịch COVID-19.
Khẩu trang đã từng giúp châu Á vượt qua cuộc khủng hoảng SARS và giờ đây đang thể hiện lợi ích trong đại dịch COVID-19

Quan điểm cần thay đổi

Một trong những lý do khiến CDC có khả năng thay đổi hướng dẫn về khẩu trang là vì virus SARS-CoV-2 lây lan ngay cả khi bệnh nhân không thể hiện triệu chứng, và do đó mọi người đều phải tự bảo vệ - như thông lệ ở Hồng Kông và các khu vực khác ở Châu Á kể từ tháng 1/2020 - nhằm kìm hãm sự lây truyền.

Tuy nhiên, virus lây lan trước khi mọi người phát bệnh không phải là tin tức mới. Điều này đã được cảnh báo kể từ những tuần đầu tiên của đợt bùng phát tại Trung Quốc và bằng chứng ngày càng phát triển mạnh hơn gần đây.

Ngay cả khi không có sự lây truyền tiềm ẩn bởi ca bệnh không triệu chứng, việc đeo khẩu trang phổ quát hoặc gần phổ quát góp phần giảm thiểu sự sợ hãi và thù địch trong cộng đồng, giúp người bệnh không cảm thấy tách biệt khỏi mọi người xung quanh khi đeo khẩu trang và từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm.

Nước Mỹ và phương Tây hiện đang phải đứng trước câu hỏi khó rằng có bao nhiêu trường hợp nhiễm trùng có thể được phòng tránh nếu ngay từ tháng 1, thay vì nói rằng khẩu trang “vô tác dụng”, các quan chức và giới truyền thông tích cực vận động nhà máy tăng cường sản xuất, cung cấp hướng dẫn cách làm khẩu trang tại nhà, và yêu cầu các nước khác tặng vật liệu dư thừa.

Số liệu từ Thời báo New York trước ước tính rằng COVID-19 có thể giết chết nhiều người Mỹ hơn là ung thư, bệnh tim hoặc chứng mất trí nhớ vào năm 2020. Trong một kịch bản trung bình, với tỷ lệ nhiễm bệnh là 30% dân số và tỷ lệ tử vong 2%, virus SARS-CoV-2 sẽ gây ra 1,97 triệu ca tử vong tại nước này.

Đó chắc chắn là điều Mỹ cần phòng tránh bằng mọi cách, bắt đầu từ việc khuyến khích dân chúng đeo khẩu trang.

Tấn Vĩ (Theo NY Times, CNN, Daily Mail)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • K Dũng 03-04-2020 08:19:19

    Đeo khẩu trang chắc chắn tốt hơn không đeo, một việc đơn giản như vậy mà sao những người Âu, Mỹ kể cả các nhà khoa học vẫn phải tranh luận, thật không thể hiểu nổi!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI