Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân, THAAD đến Seoul để làm gì?

12/02/2016 - 08:32

PNO - Các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng đã vô tình giúp cho Mỹ liên tiếp đưa các vũ khí tối tân đến Hàn Quốc, một mũi tên trúng nhiều đích.

Mỹ điều tàu ngầm tấn công lớp Virginia tới Hàn

Thời gian gần đây, bất chấp các lời cảnh báo của các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc,... Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành các hoạt động thử tên lửa tầm xa hôm 7/2, đe dọa tiếp tục thử hạt nhân và bị nghi việc tái khởi động lò plutonium.

Chỉ ít ngày sau vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng, Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch điều tàu ngầm tấn công USS North Carolina (SSN-777) đến Hàn Quốc vào tuần tới nhằm phô diễn sức mạnh để răn đe Triều Tiên, hãng tin Yonhap ngày 11/2 dẫn một nguồn tin quân sự cho biết.

My dua tau ngam hat nhan, THAAD den Seoul de lam gi?
Tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina của Hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters)

Nguồn tin cho hay: “Theo những gì tôi biết thì tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina của Hải quân Mỹ đang trên đường tới Hàn Quốc”.

USS North Carolina là tàu ngầm tấn công lớp Virginia có khả năng mang tên lửa hành trình Tomahawk hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và loại ngư lôi phóng từ tàu ngầm Mark 48. Tốc độ di chuyển của tàu ngầm này khoảng 46km/h.

Thêm vào đó, Mỹ cũng được cho là cũng đang cân nhắc điều các máy bay chiến đấu khác tới Hàn Quốc với khả năng tàng hình, trong đó có máy bay ném bom B-2 và máy chiến đấu F-22 Raptor.

Trung Quốc sốt sắng, Nga dính vạ lây

Trước sự thách thức cao độ của Triều Tiên, Mỹ và đồng minh Hàn Quốc đã mất kiên nhẫn, chuẩn bị sẵn sàng “tung đòn” quyết liệt. Điều đáng nói là đòn tấn công của Mỹ không chỉ nhằm vào Bình Nhưỡng mà Trung Quốc cũng phải lo sốt vó. Có vẻ như Mỹ sắp thực hiện được mục tiêu “một mũi tên bắn trúng hai đích”, và vô tình Triều Tiên đã làm hại người đồng minh.

My dua tau ngam hat nhan, THAAD den Seoul de lam gi?
Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh hôm 7/2.

Mỹ - Hàn đã thống nhất việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, còn gọi là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Thông báo về khả năng triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, đã được Thứ trưởng phụ trách chính sách của Hàn Quốc – ông Yoo Jeh-seung đưa ra tại một cuộc họp với Trung tướng Thomas Vandal – một chỉ huy thuộc lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Chính sự thách thức cao độ của Triều Tiên đã khiến nước láng giềng Hàn Quốc thay đổi lập trường trong vấn đề triển khai THAAD.

Lâu nay, Hàn Quốc vẫn cực kỳ lo ngại về chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, trước đây, chính quyền Hàn Quốc vẫn không muốn Mỹ triển khai hệ thống phòng không tinh vi trên lãnh thổ của họ bởi họ hiểu rất rõ điều này có thể gây ra sự sứt mẻ trong quan hệ giữa Hàn Quốc với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ phải lo ngại trước thông tin Hàn Quốc đã chấp nhận đàm phán về kế hoạch triển khai THAAD. Trước đây, Bắc Kinh nhiều lần sục sôi trước thông tin về việc Mỹ nhăm nhe ý định đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD đến đất Hàn Quốc.

My dua tau ngam hat nhan, THAAD den Seoul de lam gi?
Một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ.

Bắc Kinh nói rằng, việc triển khai các khẩu đội vũ khí phòng không hiện đại THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc là hành động vượt quá nhu cầu an ninh thực sự và sẽ gây ra căng thẳng mới trên bản đảo Triều Tiên vốn đã mong manh. Bắc Kinh còn từng đe dọa sẽ trả đũa Seoul bằng biện pháp kinh tế nếu kế hoạch THAAD được tiến hành.

Trong việc này, Bình Nhưỡng đã vô tình trở thành tác nhân thúc đẩy Mỹ, Hàn Quốc triển khai kế hoạch đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân đến sát nách Trung Quốc – một điều mà Bắc Kinh lâu nay vẫn bị ám ảnh.

Liên quan đến việc phóng tên lửa của Triều Tiên cũng khiến Nga bị dính vạ lây. Không lâu sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa hôm 7/2, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đã dẫn lời một nghị sĩ của nước này báo cáo rằng, tên lửa trên có thể mang một số bộ phận được sản xuất tại Nga.

Phản ứng trước cáo buộc này, hôm 10/2, Cục trưởng Cục Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, Mikhail Ulyanov đã "phản pháo" Seoul và yêu cầu một lời xin lỗi từ Hàn Quốc cho các cáo buộc "vô trách nhiệm" và "không chuyên nghiệp".

"Nếu Hàn Quốc thực sự có lý do để nghi ngờ chúng tôi bán các lô hàng bất hợp pháp, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì phải trình chứng cứ ra" – ông Ulyanov tuyên bố.

Trước phản ứng của Nga, đến nay Hàn Quốc cũng chưa có phát ngôn chính thức nào về vấn đề này.

Như vậy, với việc triển khai hệ thống THAAD cũng như tàu ngầm cực mạnh đến Hàn Quốc không chỉ giúp Mỹ răn đe Triều Tiên, phô trương sức mạnh quân sự mà "mũi tên" này còn hướng đến nhiều đích khác.

Yên Sở (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI