Mỹ đối mặt với những tuần đen tối

20/01/2021 - 14:39

PNO - Theo thống kê, số người chết do đại dịch COVID-19 hiện đã vượt quá 2 triệu người - một cột mốc nghiệt ngã cho toàn nhân loại. Theo dữ liệu của Đại học John Hopkins, Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh.

500.000 người chết và hơn thế nữa

Tính đến nay, tổng số nhiễm COVID-19 ở Mỹ lên gần 25 triệu người và hơn 400.000 người chết. Thế nhưng, các chuyên gia dự đoán, con số còn thảm khốc, nặng nề hơn trong thời gian tới. Có thể số người chết do COVID-19 ở Mỹ vào giữa tháng 2/2021 sẽ lên đến 500.000 và ​​sẽ tiếp tục tăng lên vào tháng 3.

Ellie Murray - phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston - cho biết số ca bệnh gia tăng một phần do các cuộc tụ tập vào những ngày lễ vừa qua, cộng với sự trở lại trường học của sinh viên vào mùa thu.

Nhân viên y tế đang lấy máu để xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 ở Los Angeles, Mỹ
Nhân viên y tế đang lấy máu để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở Los Angeles, Mỹ

Tiến sĩ Steven Woolf - chuyên gia sức khỏe dân số và là giáo sư tại Đại học Virginia Commonwealth - nhận định: “Với nhiều yếu tố của thực tế, chúng tôi dự đoán, sẽ còn những tình huống tồi tệ hơn, trước khi nó tốt hơn. Dịch bệnh sẽ lây lan đỉnh điểm trong mùa đông. Sẽ có thêm vài chục ngàn người chết từ nay đến khi chúng ta có được những thành quả. Khi việc tiêm phòng đạt đến mức độ nhất định, mọi thứ mới trở nên tốt hơn” - ông nói.

Theo các chuyên gia, khả năng số người chết tăng là do tác động của chủng virus mới với khả năng lây truyền cao hơn, được gọi là B117. Biến thể này được cho là đã “có mặt” ở hầu hết các bang của Hoa Kỳ. Mặc dù B117 không được cho là gây chết người nhiều hơn so với các chủng virus SARS-CoV-2 nổi trội hiện nay, nhưng các chuyên gia tin rằng, nó có thể dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh hơn và từ đó có nhiều ca tử vong hơn.

Sẽ tốt hơn sau thảm họa

Giữa tháng 12/2020, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng đại dịch. Nhưng nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 15/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 12,3 triệu người, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 20 triệu người đã đề ra từ năm 2020.

Những ngày này, tình trạng thiếu vắc-xin vẫn còn trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tình trạng thiếu hụt vắc-xin diễn ra khi Mỹ phải vật lộn để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng khiến nhiều bang bị căng thẳng tột độ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), việc thiếu hụt vắc-xin đã khiến rất nhiều bệnh viện, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các bang phải hủy bỏ hàng loạt cuộc hẹn với những người đã đăng ký tiêm chủng.

Tiến sĩ Joshua LaBae - G​iám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biodesign Institute tại Đại học bang Arizona - nói: “Thật khó để tưởng tượng rằng nó đang lan nhanh hơn rất nhiều so với hiện tại”.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden từng nhiều lần tuyên bố, ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vắc-xin trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền tại Nhà Trắng.

Mới đây, ông lên kế hoạch thúc đẩy triển khai vắc-xin, bao gồm huy động bác sĩ đã nghỉ hưu làm công việc tiêm chủng cho người dân. Ngoài ra, ông còn kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng để tăng cường sản xuất các thiết bị cần thiết nhằm phân phối vắc-xin, như ống nghiệm, kim và ống tiêm cùng các thiết bị liên quan để xét nghiệm nhằm đẩy nhanh việc tiêm chủng cho mọi người.

Cựu Giám đốc CDC - tiến sĩ Tom Frieden - nhận định nếu việc tiêm chủng diễn ra nghiêm túc và đồng loạt, số ca tử vong sẽ bắt đầu giảm vào cuối tháng 3 và giảm đáng kể vào tháng 6 tới.

Trọng Trí (theo AP, Reuters, The Guardian)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI