Mỹ dè dặt không kích mỏ dầu IS, IS chật vật trả lương cho chiến binh

06/12/2015 - 12:32

PNO - Mỹ vẫn ném bom cầm chừng các mỏ dầu của IS, trong khi Nga vẫn tiếp tục các đợt oanh kích dữ dội vào mục tiêu của nhóm phiến quân này.

Mỹ và liên minh vẫn chưa đạt được thành công trong việc triệt phá cơ sở hạ tầng dầu mỏ nằm trong vùng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát. Một loạt lý do đã được đưa ra để giải thích cho việc này bao gồm: lo ngại phá hủy quá nhiều cơ sở hạ tầng, gây ảnh hưởng đến mối trường và khiến dân thường lao đao vì thiếu nhiên liệu.

Ông Ryan Opsal, trợ giảng về quan hệ quốc tế tại Đại học Florida (Mỹ) cho rằng một lý do khiến Washington chưa kiên quyết đánh vào các cơ sở dầu có thể nhằm bảo tồn cơ sở hạ tầng để xây dựng lại, sau khi cuộc xung đột kết thúc. Điều này có tiền lệ, vì lực lượng liên quân đã cố gắng làm vậy ở Iraq và Afghanistan, rút kinh nghiệm từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991.

My de dat khong kich mo dau IS, IS chat vat tra luong cho chien binh
Dầu ở đông Syria là nguồn thu chính của IS.

Một khả năng khác là Mỹ không muốn gây ra thiệt hại môi trường cho các khu vực xung quanh, vì bài học từ Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Năm 1991, lực lượng quân sự Iraq đốt 605 - 732 giếng dầu cùng với một số lượng không xác định các vùng trũng thấp chứa dầu, khi rút lui từ Kuwait năm 1991, trước bước tiến lớn của lực lượng liên minh.

"Chúng ta không nhắm vào các giếng dầu và đánh vào giếng dầu mà IS kiểm soát, vì không muốn làm ảnh hưởng đến môi trường và phá hủy cơ sở hạ tầng", Michael Morell, cựu phó giám đốc Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), cho biết.

Một cách lý giải khác là nhằm tránh để xảy ra khủng hoảng nhân đạo và duy trì nguồn cung cho phiến quân địa phương chiến đấu với IS. Mất nhiên liệu trong khu vực này sẽ là điều vô cùng bất lợi cho người dân địa phương. Họ cần dầu của IS để chạy máy phát điện và sinh hoạt. Thậm chí chính những nhóm chiến đấu chống IS cũng phải bất đắc dĩ mua dầu từ kẻ thù. 

Trong khi đó, Moscow vẫn tiếp tục các đợt oanh kích dữ dội nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria trong tuần vừa qua. Hãng thông tấn RT dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay hàng loạt thủ lĩnh của nhóm khủng bố đã bị tiêu diệt trong các đợt không kích này.

My de dat khong kich mo dau IS, IS chat vat tra luong cho chien binh
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22 của Nga đang tiến hành không kích trên bầu trời Syria.

Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 4/12, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết thủ lĩnh của một nhóm khủng bố lớn tên là Abu Abdu và một số người chỉ huy của các nhóm khác tại tỉnh Latakia đã bị tiêu diệt.

Ngoài ra, Không quân Nga cũng tấn công vào hoạt động buôn lậu dầu của các nhóm khủng bố. “12 trạm bơm dầu, 8 mỏ dầu và nhà máy lọc dầu cùng với 170 xe tải chở dầu đã bị phá hủy trong bảy ngày qua”, ông Konashenkov cho biết thêm.

Từ ngày 26/11 tới ngày 4/12, các máy bay Nga đã tiến hành 431 đợt xuất kích từ căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia và thực hiện 1.458 cuộc không kích nhằm vào các căn cứ khủng bố tại tỉnh Aleppo, Idlib, Latakia, Hama, Homs, Deir ez-Zor và Raqqa.

Theo Washington Post, các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Iraq và quân đội Syria dưới sự yểm trợ của Nga đã tái chiếm một vùng lãnh thổ lớn từ tay IS, khiến chúng bị mất một trong những nguồn thu quan trọng là tiền thuế đánh vào người dân, giới phân tích cho biết.

My de dat khong kich mo dau IS, IS chat vat tra luong cho chien binh
Một đoàn xe chở dầu của IS bốc cháy sau khi bị Nga không kích.

Nhiều thị trấn và làng mạc trước đây IS vẫn áp thuế để tăng nguồn thu mới đây đã bị lực lượng an ninh Iraq, quân đội chính phủ Syria và dân quân người Kurd chiếm lại. Các chiến lợi phẩm béo bở như các giếng dầu, tài sản tịch thu, tiền chuộc con tin đã ngày càng trở nên khan hiếm khi IS không thể chiếm thêm được lãnh thổ mới.

Nguồn thu tài chính bị cắt giảm đáng kể đang khiến phiến quân IS phải vật lộn kiếm tiền để trang trải cho bộ máy chiến tranh và cai trị khổng lồ của chúng.

Lam Anh (tổng hợp)

Từ khóa MỹNgaISmỏ dầu
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI