Mỹ: Đạt thỏa thuận tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ lần nữa

12/02/2019 - 13:00

PNO - Các nhà thương thuyết hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hôm 11/2 (giờ Mỹ) bước vào vòng đàm phán mới nhằm đạt thỏa thuận về an ninh biên giới, tránh để chính phủ bị đóng cửa một lần nữa.

My: Dat thoa thuan tranh nguy co dong cua chinh phu lan nua
Đường biên giới giữa tiểu bang Arizona của Mỹ và bang Sonora của Mexico - Ảnh: BBC

Nỗ lực chung của hai đảng đến nay vẫn chia rẽ về vấn đề giam giữ những người nhập cư trái phép và khoản tiền để xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico, theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump hôm 11/2 nói rằng việc đạt được một thỏa thuận hay tiếp tục đóng cửa chính phủ đều “tùy thuộc vào đảng Dân chủ".

Trước đó, chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần trong vòng 35 ngày, lần đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sự đình trệ của cơ quan hành pháp được khai thông ngày 25/1, khi các nhà lập pháp hai đảng đồng ý ngồi lại đàm phán. Nay Quốc hội Mỹ có thời hạn đến cuối tuần để thông qua luật trước khi việc thỏa thuận tài trợ liên bang hiện tại hết hiệu lực vào ngày 15/2.

Nếu cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ không đạt được thỏa thuận mới, và nếu không được Tổng thống ký ban hành, chính phủ Mỹ sẽ lại đóng cửa vào ngày 16/2. CNN cho biết, các nhà đàm phán của hai đảng đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc, và nhờ đó ngăn được việc chính phủ bị đóng cửa.

Lần đóng cửa mới đây khiến cho hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải nghỉ việc (nghỉ phép không lương) trong tháng 12/2018 và tháng Giêng, chỉ có những người làm việc trong các bộ phận thiết yếu tiếp tục có việc làm, nhưng không được trả lương, họ là nhân viên bệnh viện, kiểm soát không lưu và thực thi pháp luật.

Tháng trước, Tổng thống Trump đã phê chuẩn một biện pháp của Quốc hội để trả nợ lương cho nhân viên liên bang, nhưng nhiều người nói với truyền thông rằng họ vẫn chưa nhận được tiền lương. Hiện chưa rõ liệu các nhân viên hợp đồng sẽ nhận được khoản tiền nợ lương như vậy hay không.

Hơn một tháng đóng cửa chính phủ làm nền kinh tế Mỹ thiệt hại ước tính 11 tỷ USD.

Cuộc đàm phán của hai đảng dự kiến diễn ra ở Washington, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump tổ chức một cuộc gặp mặt với quần chúng ở thành phố biên giới El Paso, tiểu bang Texas, nhằm thu thập sự ủng hộ cho việc xây dựng bức tường biên giới.

Bế tắc mới nhất là vấn đề gì?

My: Dat thoa thuan tranh nguy co dong cua chinh phu lan nua
 

Khoảng 17 nhà thương thuyết của đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện tham gia đàm phán nhằm đạt một thỏa thuận an ninh biên giới có thể được Quốc hội chấp nhận.

Sự bế tắc mới nhất dường như tập trung vào việc đảng Dân chủ yêu cầu hạn chế số lượng người di cư bất hợp pháp đến Mỹ bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) giam giữ. Đảng Dân chủ muốn giới hạn số giường tại các trung tâm giam giữ dành cho những trường hợp đó là 16.500.

Đảng Dân chủ hy vọng đề nghị của họ sẽ khiến ICE tập trung vào việc giam giữ những người di cư bất hợp pháp có hồ sơ tội phạm thay vì những người quá hạn thị thực, là những người được cho là hữu ích cho nước Mỹ và không có mối đe dọa nào.

Phó Giám đốc ICE Matt Albence hôm 11/2 cho biết đề xuất này của đảng Dân chủ sẽ "gây tổn hại cho an toàn công cộng". Cùng ngày, Tổng thống Trump viết trên Twitter: "Đảng Dân chủ không muốn chúng tôi giam giữ hoặc trục xuất ‘những tội phạm ngoài hành tinh’! Đây là một yêu sách mới tinh. Thật điên rồ!"

Trong một sự kiện ở Nhà Trắng sau khi rời Texas, ông Trump tiếp tục công kích phe Dân chủ: "Không chỉ không muốn cấp tiền cho chúng tôi xây dựng bức tường biên giới, họ còn không muốn chúng tôi có chỗ giam giữ những kẻ giết người, tội phạm, buôn bán ma túy, buôn người”.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ đang xem xét khoản tài trợ từ 1,3 tỷ-2 tỷ USD cho bức tường biên giới được ông Trump đề xuất, một phần nhỏ trong tổng số 5,7 tỷ USD Tổng thống đã yêu cầu.

Tình hình ở biên giới thế nào?

Khi thảo luận về bức tường biên giới đang diễn ra, ông Trump có kế hoạch ngay trong tháng này gửi hơn 3.700 binh sĩ đến biên giới Mỹ-Mexico để trợ giúp an ninh. Với hơn 2.000 binh sĩ đã có mặt, con số lính Mỹ được điều động đến biên giới phía nam là 5.900 người.

Đi ngược lại các nỗ lực của Tổng thống, Thống đốc Dân chủ tiểu bang California, ông Gavin Newsom, mới đây đã triệu hồi hàng trăm vệ binh quốc gia của tiểu bang rời khỏi khu vực biên giới. Động thái của ông Newsom diễn ra sau khi bà Michelle Grisham, Thống đốc Dân chủ tiểu bang New Mexico, tuần trước rút binh lính địa phương khỏi biên giới.

Thanh Vân (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI