Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi đó là "sự leo thang mới mối đe dọa" đối với Hoa Kỳ.
|
Washington hôm 4/7 khẳng định vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên thực sự là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa - Ảnh: Reuters/KCNA |
Để đáp lại sự khiêu khích của Triều Tiên, binh lính Mỹ và Hàn Quốc sau đó đã bắn tên lửa chính xác “như một cuộc tấn công sâu” vào vùng biển thuộc lãnh hải Hàn Quốc.
Động thái này minh chứng tình đoàn kết Mỹ-Hàn trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc mới có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) sẽ tổ chức một phiên họp khẩn cấp chiều 5/7.
Ngoại trưởng Tillerson gọi đây là một phần trong phản ứng của Washington, bao gồm cả "các biện pháp mạnh mẽ hơn để buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình”.
Ngoại trưởng Tillerson khẳng định Mỹ "sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân”.
Tuyên bố của Tillerson được đưa ra trước thềm kỷ niệm Ngày Độc lập 4/7 của Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu hoài nghi rằng Bắc Kinh không thực hiện được nhiệm vụ kiềm chế Bình Nhưỡng và dường như sắp hết kiên nhẫn đối với chính quyền Kim Jong-un.
Triều Tiên thực sự là mối đe dọa với Mỹ?
Phát biểu của ông Tillerson là lần đầu tiên Mỹ công khai thừa nhận tên lửa Triều Tiên phóng lên là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), cho thấy sự tiến bộ quan trọng của Triều Tiên trong công nghệ chế tạo tên lửa.
Nguy cơ chính hiện nay, theo quan điểm của Mỹ, là triển vọng của Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa ICBM. Đánh giá mới nhất của tình báo Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng chưa có khả năng gắn một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ lên ICBM.
Các đánh giá ban đầu của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD), cho thấy đây là một tên lửa tầm trung, và không đe dọa lục địa Bắc Mỹ.
Trong phản ứng đầu tiên của mình sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Trump đã hối thúc Trung Quốc trên Twitter "cần có động thái lớn đối với Triều Tiên và chấm dứt hoàn toàn trò vô nghĩa này!”.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng nói rằng "thật khó tin" rằng Hàn Quốc Và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ ở Đông Á, có thể "khoanh tay lâu hơn nữa trước việc này”.
Tổng thống Mỹ gần đây bày tỏ sự thất vọng đối với tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, vốn đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế gai góc nhất của ông ta.
Trong tuyên bố chung tuần trước với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng, ông Trump nói rằng "kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên đã thất bại”.
Thế giới sẽ làm gì để giải quyết vấn đề Triều Tiên?
Khả năng đàm phán với Bình Nhưỡng
Từ giữa thập niên 2000, Triều Tiên đã bị áp lực quốc tế ngồi vào bàn đàm phán 6 bên - Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ - về phi vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc đàm phán ban đầu đầy hứa hẹn với việc Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ và những nhượng bộ chính trị.
Kết quả thực tế là Bình Nhưỡng đã phá hủy tháp làm mát tại cơ sở sản xuất hạt nhân ở Yongbyon.
Tuy nhiên, đàm phán đã đổ vỡ từ năm 2009, sau khi Triều Tiên quyết định chọn con đường phát triển vũ khí hạt nhân của mình.
Những hành động của Triều Tiên thời gian qua cho thấy nước này không quan tâm gì đến đàm phán, mà tập trung vào một mục tiêu duy nhất là chương trình vũ khí hạt nhân để nâng cao sức mạnh của đất nước.
|
Đánh giá mới nhất của tình báo Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng chưa có khả năng gắn một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ lên ICBM - Ảnh: AP/KCNA |
Khả năng gây áp lực kinh tế đối với Triều Tiên
Vậy những áp lực về kinh tế có tác dụng gì đối với Bình Nhưỡng hay không?
Mặc dù các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của LHQ và một số quốc gia ngày càng gia tăng, khiến cho nước này lâm vào tình trạng khó khăn thực sự, nhưng không thể làm chùn bước con đường Bình Nhưỡng đã chọn và không làm chậm lại tiến trình của chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo chương trình trừng phạt kinh tế Triều Tiên, Trung Quốc từ chối bán dầu mỏ và không mua than đá của Triều Tiên.
Nhưng theo các nhà phân tích, Bắc Kinh không muốn áp dụng các biện pháp gây mất ổn định chính phủ Triều Tiên, để tránh nguy cơ bất ổn tiềm tàng trên biên giới hai nước.
Khả năng tiến hành hành động quân sự
Trong bối cảnh trên, lựa chọn quân sự không phải là một sự lựa chọn tốt, vì theo đánh giá của các chuyên gia, hành động quân sự chống lại Triều Tiên sẽ gây ra tổn thất lớn về quân sự cũng như dân thường.
Cuộc chiến với một nước như Triều Tiên không hề đơn giản, vì các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đưa các cơ sở quan sự và kinh tế của mình xuống lòng đất.
Chưa kể, Triều Tiên được trang bị vũ khí hạng nặng với một kho tên lửa có thể bắn đến Seoul, họ có vũ khí hoá học, vũ khí sinh học và khoảng một triệu quân.
|
Quân đội Hàn Quốc luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao để đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên - Ảnh: AP |
Phương án ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Trước đây, Hàn Quốc tuyên bố công khai về việc loại bỏ nhà lãnh đạo Kim Jong-un như một giải pháp cuối cùng cho vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, chính phủ mới của Hàn Quốc nay nhấn mạnh hơn mục tiêu đàm phán hòa giải để khống chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Lựa chọn tốt nhất là gì?
Tiến sĩ John Nilsson-Wright, chuyên gia hàng đầu về Đông Bắc Á của Viện nghiên cứu chính sách Chatham House, nói rằng tốt nhất cần có sự kết hợp giữa áp lực và đối thoại.
Chìa khóa của phương pháp tiếp cận này là sự phối hợp ăn ý giữa Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, bỏ qua những vấn đề riêng, có thể là những vấn đề song phương gai góc giữa các quốc gia này.
Thanh Vân (Theo AP, BBC)