|
Tuần hành kêu gọi ngăn chặn tội ác thù ghét ở San Francisco hồi tháng Giêng |
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận và cực đoan (CSHE), số vụ tội phạm thù ghét sắc tộc tại Mỹ trong năm 2021 đã tăng 339% so với năm 2020. Ngay từ tháng 3/2020, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đưa ra một báo cáo, dự báo rằng tội ác thù ghét nhắm người Mỹ gốc Á sẽ gia tăng do đại dịch COVID-19, vốn bắt nguồn từ một quốc gia châu Á.
Theo nhận định của tờ The Guardian, đến nay tình hình đã có vẻ khả quan hơn khi người Mỹ gốc Á cuối cùng cũng đã có một số “lá chắn” pháp lý để bảo vệ cộng đồng của mình chống tội ác thù ghét.
Sau vụ xả súng ở khu vực Atlanta khiến 8 người, trong đó có 6 phụ nữ châu Á, bị một tay súng da trắng, giết chết vào tháng 3/2021, Tổng thống Joe Biden đã công bố một loạt các hành động để ứng phó với bạo lực và sự bài ngoại chống người châu Á.
Đến tháng 5/2021, Tổng thống Biden tiếp tục khởi động Chương trình hành động của Nhà Trắng về người Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người dân các đảo ở Thái Bình Dương (gọi tắt là cộng đồng AA và NHPT), nhằm tạo ra sự công bằng, công lý và cơ hội cho các cộng đồng này. Một trong những sáng kiến của chương trình này là cải thiện các phương pháp thu thập dữ liệu hiện tại, vốn đã khiến người dân châu Á không được thống kê đầy đủ trong các số liệu chính thức của chính phủ, và từ đó không được hưởng lợi từ các chính sách.
Tuy nhiên, về dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở giáo dục. Vào tháng 1/2022, Illinois đã trở thành bang đầu tiên yêu cầu giảng dạy về lịch sử người Mỹ gốc Á trong các trường công lập. Ngay sau đó, New Jersey và ít nhất 9 bang khác cũng đang xem xét điều tương tự.
“Các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương đã có vô số đóng góp cho tiểu bang và đất nước của chúng ta, nhưng họ hầu như không được đề cập đến trong sử sách của chúng ta. Việc này không chỉ làm cho học sinh thiếu sự hiểu biết đầy đủ về lịch sử của quốc gia, mà còn góp phần tạo ra những thành kiến về phân biệt chủng tộc, từ đó dẫn đến bạo lực và thù hận”, 4 thành viên của hội đồng NJ ủng hộ cho dự luật thay đổi nội dung giảng dạy lịch sử trong trường học của bang, lên tiếng trong một tuyên bố chung.
Trong năm 2021, Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật chống tội phạm thù ghét do COVID-19, nhằm góp phần giải quyết tình trạng tội phạm thù ghét nhắm vào người châu Á nói chung. Đạo luật này, được xây dựng dựa trên Đạo luật Thống kê tội phạm căm thù năm 1990, yêu cầu việc thu thập dữ liệu “về các tội phạm có bằng chứng cho thấy xuất phát từ định kiến phân biệt chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục hoặc sắc tộc”. Dựa theo đạo luật này, FBI đã bắt đầu công bố báo cáo hàng năm về số liệu thống kê tội phạm thù ghét.
Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng đạo luật nói trên không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của sự căm ghét, và lo ngại các số liệu thống kê sẽ chỉ dẫn đến việc kiểm soát quá mức các cộng đồng người châu Á cũng như các dân tộc thiểu số khác. “Trên thực tế, nhiều người thuộc các nhóm sắc tộc tại New York City (NYC) thường ngại báo án cho các cơ quan cảnh sát”, Jo-Ann Yoo - Giám đốc điều hành của Liên đoàn người Mỹ gốc Á, một tổ chức phi lợi nhuận ở NYC - cho biết.
Vì vậy, theo chương trình Stop AAPI Hate (Hãy ngưng thù ghét cộng đồng người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương) cho rằng, trong dài hạn, cần “dành nguồn lực cho các cộng đồng địa phương”. Chương trình này đưa ra một số dẫn chứng về các nỗ lực hiện tại ở địa phương, chẳng hạn như tổ chức các nhóm tình nguyện viên tuần tra trên đường phố, hỗ trợ “hộ tống” người dân khi ra đường, xây dựng các hoạt động cộng đồng nhằm khơi dậy niềm tự hào về văn hóa người Mỹ gốc Á.
Tuy nhiên, bà Yoo cho rằng, việc giải quyết những vấn đề cấp bách cho các cộng đồng này cũng khá quan trọng. Theo bà, đó là tình trạng mất an ninh lương thực, khó khăn về tài chính và thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhiều người lao động châu Á đang làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
“Những khó khăn này khiến người cao tuổi ngại ra khỏi nhà. Thêm vào đó, họ lại gặp rào cản ngôn ngữ và thiếu kiến thức công nghệ để có thể tiếp cận các chương trình dịch vụ xã hội. Bạo lực gia đình cũng vì thế ngày càng gia tăng”, bà Yoo giải thích.
Bà Yoo cũng cho rằng, cần tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các nạn nhân của nạn bạo lực do phân biệt chủng tộc và chính các thủ phạm trong các vụ bạo lực này. “Nhiều người trong số những kẻ tấn công là người vô gia cư với bệnh tâm thần nặng.”, bà giải thích.
“Đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn ở cấp độ toàn cầu, và đang trở thành nơi sinh sôi nảy nở của nạn phân biệt chủng tộc, thù ghét và áp bức. Khi mọi người căng thẳng, những ý tưởng xấu sẽ xuất hiện trong đầu của họ”, tiến sĩ DJ Ida - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Sức khỏe tâm thần quốc gia cho cộng đồng AAPI - nhận định.
Tiến sĩ Ida cũng cho rằng, ngân sách mà chính quyền của Tổng thống Biden đề xuất cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần trong năm 2023 sẽ mở ra hy vọng cho cuộc chiến chống tội ác thù ghét sắc tộc. Trong ngân sách này, có 1 tỷ USD sẽ được dùng để tăng gấp đôi số lượng đội ngũ chuyên gia tư vấn và chuyên gia y tế học đường tại Mỹ trong 10 năm tới.
Cuối cùng, nhiều chuyên gia cho rằng, dù có bất cứ giải pháp, chính sách bao quát và ở phạm vi liên bang nào đi nữa, thì việc đấu tranh chống tội ác thù ghét cũng sẽ phụ thuộc vào hành động của từng cá nhân. “Luật pháp dù có hiệu lực đến đâu cũng không thể xóa bỏ hoàn toàn sự căm ghét ngấm ngầm trong từng cá nhân. Và chúng ta cần giải quyết điều này mỗi ngày, với mỗi con người, và ở từng địa phương”, Stanley Mark - luật sư của Quỹ Giáo dục và bảo vệ pháp lý dành cho người Mỹ gốc Á (AALDEF) - nhận xét.
Nhất Nguyên (theo Guardian)