Mỹ: ‘Covid-19 có thể đi cùng chúng ta đến hết mùa này, hết năm nay’

14/02/2020 - 15:03

PNO - Trong khi coronavirus chủng mới, tên chính thức là Covid-19, đang tàn phá tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chuẩn bị cho một kịch bản xấu nhất là dịch bệnh có thể bùng phát rộng trên khắp nước Mỹ.

Trả lời phỏng vấn hôm 13/2 của kênh truyền hình CNN, Tiến sĩ Robert Redfield, giám đốc CDC cho biết, "ngay bây giờ chúng ta đang đang ở chế độ ngăn chặn (dịch) tích cực".

Ông Redfield nói: "Chúng ta không biết nhiều về virus này, nó có thể đi cùng chúng ta hết mùa này, hết năm nay.

Tôi nghĩ rằng, cuối cùng virus sẽ tìm được ‘chỗ đứng’ và chúng ta sẽ bị lây nhiễm trên quy mô cộng đồng”.

Bên trong phòng tác chiến với coronavirus của CDC - Ảnh: CNN
Bên trong phòng tác chiến với coronavirus của CDC - Ảnh: CNN

Tính đến ngày 13/2, nước Mỹ ghi nhận 15 trường hợp lây nhiễm covid-19 ở bảy tiểu bang: tám trường hợp ở California, hai ở Illinois và Arizona, Washington, Massachusetts, Wisconsin và Texas, mỗi tiểu bang một trường hợp.

Giám đốc CDC Redfield cho biết, trong khi cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu đầy đủ hơn về virus này, CDC đã tập trung vào giám sát để theo dõi các trường hợp lây nhiễm và đề ra chiến lược ngăn chặn nhằm làm chậm bước phát triển của virus ở Mỹ. Tiến triển dịch bệnh chậm lại sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu có nhiều thời gian hơn để phát triển và thử nghiệm vắc-xin và các loại thuốc kháng virus cho covid-19. Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị loại virus này.

Ông Redfield giải thích, giai đoạn ngăn chặn “thực sự là để chúng ta có thêm thời gian”. Theo ông, đến một thời điểm nào đó trong năm nay hoặc năm tới, virus này sẽ trở thành một virus mang quy mô cộng đồng. Ông nói, ở thời điểm này chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy coronavirus thực sự xâm nhập vào cộng đồng ở Mỹ, “nhưng có thể nói rằng chúng tôi muốn tăng cường giám sát để có thể rút ra những kết luận trên cơ sở dữ liệu”.

Chiến lược ngăn chặn dịch đề cập đến các nỗ lực ngăn chặn sự lây truyền rộng rãi coronavirus ở Mỹ, bao gồm cả việc cách ly những người bệnh được xác nhận và hạn chế đi lại giữa các khu vực bị ảnh hưởng trên thế giới. Theo CDC, những biện pháp ngăn chặn như vậy từng được sử dụng rộng rãi trong đợt dịch SARS toàn cầu năm 2003, trong đó 8.098 người trên toàn thế giới nhiễm bệnh và 774 người đã chết.

Sau khi coronavirus bùng phát vào đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Trump đã ban hành lệnh hạn chế đi lại, cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ nếu trong vòng 14 ngày trước đó họ từng đến Trung Quốc. Mỹ cũng hạn chế đi lại đối với công dân nước này từng đến tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch ở Trung Quốc, 2 tuần trước khi về Mỹ. Các công dân này sẽ bị cách ly bắt buộc tối đa 14 ngày.

Trong khi đó, các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế khác chỉ trích các lệnh hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài, họ cho rằng những hạn chế đó có thể phản tác dụng.

Tuần trước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ahanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva:"Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi tất cả các nước không áp đặt các hạn chế gây cản trở không cần thiết đến du lịch và thương mại quốc tế, những hạn chế đó có thể làm tăng sự sợ hãi và kỳ thị, trong khi có rất ít lợi ích đối với sức khỏe cộng đồng".

Trong khi đó, các quan chức CDC bảo vệ phản ứng của chính phủ Mỹ, họ nói rằng CDC đang thực hiện các bước quan trọng để chuẩn bị “tiếp đón” virus và làm chậm sự lây lan của nó, và thời gian triển khai những nỗ lực chính là một “chìa khóa” quan trọng.

Giám đốc CDC nói rằng, chính sách của Mỹ đối với người nước ngoài từng đến Trung Quốc là nhằm bảo vệ công chúng Mỹ. Ông nhấn mạnh, “thà tôi bị chỉ trích bảo vệ nước Mỹ quá mức, hơn là bảo vệ chưa đến mức trong giai đoạn này”.

Thanh Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI