Mỹ chính thức rời khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris

05/11/2020 - 15:17

PNO - Hoa Kỳ hôm 4/11 đã chính thức rời khỏi Thỏa thuận Paris 2015 - Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, một thỏa thuận quốc tế nhằm ngăn chặn các tác động của biến đổi khí hậu (PCA) - với lý do hiệp định này không công bằng đối với Mỹ về mặt kinh tế.

Sinh viên thủ đô Washington tham gia một cuộc xuống đường vì khí hậu của giới trẻ trên Đồi Capitol hồi tháng 3/ 2019 - Ảnh: New York Times
Sinh viên thủ đô Washington tham gia một cuộc xuống đường vì khí hậu của giới trẻ trên Đồi Capitol hồi tháng 3/2019 - Ảnh: New York Times

Năm 2017, Tổng thống Trump tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris - được thiết lập năm 2015 nhằm mục đích giữ cho nhiệt độ toàn cầu ở mức cao hơn khoảng 2oC so với thời tiền công nghiệp. Gần 200 thành viên của hiệp ước đặt ra các mục tiêu giảm thiểu khí nhà kính, nhưng phải báo cáo chính xác những nỗ lực của nước mình.

Đáng chú ý, việc Hoa Kỳ rút khỏi PCA - chính thức có hiệu lực một ngày sau Ngày bầu cử tổng thống 3/11 ở Mỹ - đã đặt ra những câu hỏi và câu trả lời.

Việc Mỹ rời khỏi PCA không diễn ra đột ngột: Hai năm sau khi PCA được thiết lập, năm 2017 Tổng thống Trump tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi hiệp định này với lý do nó không công bằng đối với Mỹ. Ngày 4/11/2019, Ngoại trưởng Mike Pompeo nộp giấy tờ để giải quyết thủ tục rút khỏi hiệp định, và việc rời khỏi PCA tự động hoàn thành một năm sau đó - ngày 4/11/2020.

Tổng thống Mỹ từng lên án Thỏa thuận Paris "giết chết việc làm" và nói rằng nó sẽ "trừng phạt người dân Mỹ, trong khi làm giàu cho những kẻ gây ô nhiễm nước ngoài”.

Về mặt kỹ thuật, Thỏa thuận Paris PCA không yêu cầu Hoa Kỳ làm bất cứ điều gì. Trên thực tế, nó thậm chí không phải là một hiệp ước, mà là một thỏa thuận không ràng buộc giữa các quốc gia giàu nghèo và có trách nhiệm khác nhau trong việc gây ra biến đổi khí hậu để giảm lượng khí phát thải trong nước.

Tổng thống Trump nói rằng Thỏa thuận Paris trừng phạt người dân Mỹ, trong khi làm giàu cho những kẻ gây ô nhiễm nước ngoài” - Ảnh: New York Times
Tổng thống Trump nói rằng Thỏa thuận Paris "trừng phạt người dân Mỹ, trong khi làm giàu cho những kẻ gây ô nhiễm nước ngoài” - Ảnh: New York Times

Hiệp định về cơ bản gắn kết cam kết phát thải tự nguyện của mọi quốc gia trong một diễn đàn duy nhất, với điều kiện các quốc gia sẽ đặt ra các mục tiêu ngày càng khó khăn hơn. Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã hứa đến năm 2025 sẽ giảm lượng khí thải khoảng 28% so với mức của năm 2005, nhưng tiến độ thực hiện mục tiêu đó đã dừng lại dưới thời chính quyền Trump.

Các nước tham gia hiệp định đang làm gì?

Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới tham gia Hiệp định khí hậu Paris (PCA). Trong số 195 quốc gia ký PCA, 189 quốc gia đã chính thức phê chuẩn hiệp định này. Ban đầu, Nicaragua và Syria từ chối ủng hộ PCA, nhưng cuối cùng cả 2 đều đã tham gia thỏa thuận.

Tính đến 4/11, ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia đã ký ban đầu nhưng chưa chính thức thông qua Thỏa thuận Paris bao gồm: Angola, Eritrea, Iran, Iraq, Nam Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen.

Cho đến nay, không có quốc gia nào khác theo chân Mỹ từ bỏ Hiệp định Paris PCA. Đã có lúc Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đe dọa sẽ làm như vậy, nhưng sau đó ông đã suy nghĩ lại.

Trong những tuần gần đây, đã có một loạt các cam kết về khí hậu “đầy tham vọng” từ châu Âu và châu Á. Nghị viện châu Âu tháng trước đã bỏ phiếu cắt giảm 60% lượng khí thải vào năm 2030, với mục tiêu đạt được mức trung tính carbon vào năm 2050. Biện pháp đó hiện sẽ được Hội đồng các bộ trưởng của Liên minh châu Âu xem xét. Trung Quốc tuyên bố sẽ trở thành quốc gia trung hòa về carbon vào năm 2060. Cam kết của Trung Quốc được Hàn Quốc và Nhật Bản đi theo, cả 2 đều cam kết sẽ không phát thải ròng vào năm 2050.

Ông Alden Meyer, Giám đốc Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS) và là người có 30 năm kinh nghiệm trong các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế cho biết: “Động lực tiếp tục được xây dựng ngay cả khi Mỹ rút lui”.

Liệu phát thải khí nhà kính của Mỹ có tăng vọt?

Không đúng, vì bản thân nước Mỹ khi rời bỏ Hiệp định Paris không có nghĩa là nước này sẽ ngừng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng điều đó có nghĩa là chính phủ liên bang đã chính thức từ bỏ mục tiêu của Tổng thống Obama là cắt giảm lượng khí thải xuống khoảng 28% so với mức năm 2005 vào năm 2025. Trên thực tế, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã đi chệch mục tiêu đó nhiều năm trước.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris có phải là vĩnh viễn?

Không phải như vậy, vì bất kỳ vị tổng thống tương lai nào cũng có thể chọn gia nhập trở lại.

Cựu Phó Tổng thống Joseph R. Biden Jr. từng nói rằng việc tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris “sẽ là một ưu tiên” - Ảnh: New York Times
Cựu Phó tổng thống Joe Biden từng nói rằng việc tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris “sẽ là một ưu tiên” - Ảnh: New York Times

Cựu Phó tổng thống Joe Biden từng cam kết rằng ông sẽ đề nghị Hoa Kỳ tham gia Thỏa thuận Paris vào ngày đầu tiên nếu trở thành Tổng thống Mỹ. Điều này có nghĩa là, vào ngày nhậm chức (20/1), chính quyền của ông sẽ gửi 1 lá thư tới Liên Hợp Quốc thông báo ý định tái gia nhập của Mỹ. Và sự trở lại của người Mỹ sẽ có hiệu lực chính thức sau đó 30 ngày.

Nếu Hoa Kỳ đứng ngoài thỏa thuận PCA, nước này vẫn có thể có tiếng nói trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc. Đó là bởi vì Mỹ vẫn sẽ là thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, cơ quan đã tạo ra Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, Mỹ sẽ bị hạ xuống vị trí quan sát viên, có nghĩa là các nhà đàm phán của họ sẽ được phép tham dự các cuộc họp và làm việc với các nước khác để định hình kết quả, nhưng không được phép bỏ phiếu về các quyết định.

Hòa Ninh (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI