Mỹ chậm chạp triển khai tiêm chủng, Tổng thống Algeria trở lại Đức điều trị biến chứng COVID-19

11/01/2021 - 07:07

PNO - Gần 4 tuần sau khi người Mỹ đầu tiên được tiêm chủng, chỉ mới khoảng 6 triệu người nữa được tiêm vắc-xin COVID-19, thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Hơn 27.000 ca tử vong tại Mỹ vì COVID-19 trong 10 ngày qua

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, hơn 27.000 ca tử vong do COVID-19 đã được báo cáo ở Mỹ trong 10 ngày đầu năm 2021. Với tốc độ này, các chuyên gia dự báo tháng 1 có thể có nhiều người chết hơn so với tháng 12 (77.431 người chết).

Hơn 2,2 triệu trường hợp mới cũng đã được báo cáo trong đầu năm 2021. Trước đó, tháng 12/2020 chứng kiến hơn 6,36 triệu bệnh nhân dương tính virus. 

Số người chết tại Mỹ do COVID-19 tiếp tục tăng cao.
Số người chết tại Mỹ do COVID-19 tiếp tục tăng cao.

Tình hình dịch bệnh diễn tiến nghiêm trọng đẩy hệ thống y tế các bang luôn trong tình trạng quá tải, tuy nhiên việc triển khải vắc-xin của chính phủ Mỹ vẫn khá chậm chạp.

Gần 4 tuần sau khi người Mỹ đầu tiên được tiêm chủng, chỉ mới khoảng 6 triệu người nữa được tiêm vắc-xin COVID-19, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Hoa Kỳ đặt ra là 20 triệu người vào cuối năm 2020, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

CDC cho biết, tính đến ngày 8/1, 5,9 triệu người đã được chủng ngừa. Theo các bác sĩ, tuần này Hoa Kỳ trung bình có khoảng nửa triệu ca được tiêm chủng mỗi ngày.

"Một khởi đầu chậm chạp và chúng tôi cần phải làm tốt hơn ở mọi cấp độ, nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ lấy lại động lực sau kỳ nghỉ lễ trong vài tuần đầu tiên của tháng Giêng" - Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc của Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm cho biết. 

Tổng thống Algeria trở lại Đức điều trị biến chứng COVID-19

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã bay trở lại Đức vào ngày 10/1, để điều trị các biến chứng ở chân do mắc COVID-19. Trước đó, ông vừa trở về nhà cách đây hai tuần từ Đức sau hai tháng điều trị COVID-19.

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune trở lại Đức điều trị biến chứng COVID-19.
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune trở lại Đức điều trị biến chứng COVID-19

Việc điều trị "không khẩn cấp về mặt y tế" và lẽ ra phải diễn ra trong thời gian ông Tebboune ở Đức lần cuối nhưng ông đã hoãn việc điều trị vào thời điểm đó vì một số nghĩa vụ buộc phải trở về đất nước, văn phòng tổng thống cho biết trong một tuyên bố.

Cuối tháng 12, Tebboune đã ký ngân sách năm 2021 cùng với một sắc lệnh mở đường cho việc sửa đổi hiến pháp.

Phát biểu với đài truyền hình nhà nước gần thủ đô Algiers, Tổng thống Tebboune cho biết ông có thể sẽ phải phẫu thuật bàn chân: “Có thể có một cuộc phẫu thuật nhỏ. Việc trở lại Đức của tôi đã được lên kế hoạch trước đó. Thời gian tôi vắng mặt ở đất nước sẽ rất ngắn. Tôi sẽ theo dõi các vấn đề với các quan chức hàng ngày."

Philippines bảo đảm 30 triệu liều vắc-xin COVID-19

Các quan chức cho biết, Philippines đã bảo đảm 30 triệu liều vắc-xin COVID-19 do nhà sản xuất của Mỹ Novavax phát triển, khi quốc gia này đang gia tăng đột biến số ca nhiễm mới virus sau một sự kiện tôn giáo lớn. Đây mới chỉ là hợp đồng vắc-xin thứ hai được ký kết bởi chính phủ Philippines, vốn đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận vì sự chậm chạp trong việc ký kết hợp đồng mua vắc-xin.

Quốc gia Đông Nam Á hy vọng sẽ đảm bảo được 148 triệu liều vắc-xin trong năm nay từ bảy công ty - đủ cho khoảng 70% dân số. Nhưng chính phủ cũng cảnh báo rằng dự định thực hiện được không còn phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu.

Vắc-xin Novavax đang trong giai đoạn thử nghiệm trên người ở Hoa Kỳ, Mexico và Anh, dự kiến sẽ được các cơ quan quản lý quốc tế chấp thuận sử dụng trong thời gian tới. Trước đó, Philippines đã ký một thỏa thuận với AstraZeneca cung cấp 2,6 triệu liều vắc-xin cho người dân nước này. 

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI