Mỹ chậm chân hơn Trung Quốc tại Tiểu vùng sông Mê Kông

19/06/2019 - 06:47

PNO - Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và công nghệ với chính quyền Tổng thống Trump không ngăn cản nổi tham vọng vươn ra toàn cầu của Trung Quốc. Tiểu vùng sông Mê Kông là một minh chứng cho nhận định này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo dự kiến đưa ra khuyến nghị hỗ trợ năm quốc gia dọc theo sông Mê Kông khi ông thực hiện chuyến thăm tới Bangkok vào tháng 7/2019. Nhưng các chuyên gia cho rằng cam kết của Mỹ có thể là quá ít và quá muộn khi miếng bánh béo bở đã được Trung Quốc “mổ xẻ” từ lâu.

My cham chan hon Trung Quoc tai Tieu vung song Me Kong
Hạ lưu một đập thủy điện tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa Xã

Ước tính hiện có khoảng hơn 300 triệu người sống ở Tiểu vùng sông Mê Kông, một khu vực rộng 2,6 triệu km2 bao gồm năm quốc gia ASEAN và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc. Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức Stimson Centre có trụ sở tại Washington, nhấn mạnh Mỹ đang thúc đẩy các chính sách đối ngoại của mình ở lưu vực sông Mê Kông mà đoạn đầu ở Trung Quốc gọi là Lan Thương. Thế nhưng đến nay, Bắc Kinh đã dành hơn 22 tỷ USD theo đuổi các dự án trong khu vực, từ kết nối công nghệ và phát triển công nghiệp đến thương mại, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Tiểu vùng Mê Kông tập trung phần lớn cơ sở hạ tầng cốt lõi trong chiến lược đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu, kết nối với sáng kiến “Vành đai và Con đường” từ năm 2018. Nơi đây thu hút một số dự án đường vành đai, đường bộ quan trọng nhất của Trung Quốc, cũng như các đường ống dẫn dầu và khí đốt chạy từ cảng Kyaukphyu của Myanmar đến tỉnh Vân Nam. Kèm theo đó là nhiều dự án khác bao gồm đường sắt giữa Trung Quốc, Lào và Thái Lan, cũng như cái gọi là hành lang Trung Quốc - Đông Nam Á, một kế hoạch hợp tác thực hiện ở các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông, ngoại trừ Việt Nam.

Đầu tư đánh đổi bằng môi trường

Sự mở rộng mạnh mẽ về mạng lưới đập thủy điện Mê Kông của Bắc Kinh trong thập niên qua giúp đáp ứng phần nào nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cho rằng, hệ thống đập trên thượng nguồn sông Mê Kông đang góp phần phá hủy hệ sinh thái và chuỗi cung ứng thực phẩm, ảnh hưởng đến sinh kế và nguồn lương thực cho các cộng đồng ở vùng hạ lưu. Tổ chức phi lợi nhuận International Rivers cảnh báo, 14 con đập dọc sông Lan Thương ở Vân Nam có thể tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở Campuchia và Việt Nam.

Thái Lan, quốc gia duy nhất trong khu vực sông Mê Kông ký hiệp ước ngoại giao về an ninh vùng nước với Mỹ, kêu gọi Trung Quốc đánh giá lại ảnh hưởng do việc xây dựng đập thủy điện gây ra. Khi Việt Nam trải qua đợt hạn hán tồi tệ năm 2016, các chuyên gia kịch liệt lên án hệ thống đập của Trung Quốc vì chúng góp phần tăng tốc độ bốc hơi, giảm bớt lưu lượng của dòng sông. Trong khi đó, Bắc Kinh đang gây áp lực với Myanmar để hồi sinh dự án đập Myitsone ở lưu vực sông Irrawaddy nhằm cung cấp điện cho khu kinh tế mà Trung Quốc hậu thuẫn ở quốc gia này, bất chấp những lo ngại về thiệt hại môi trường.

Viễn cảnh suy thoái môi trường và áp lực của Trung Quốc tạo cho các quốc gia Mê Kông mối lo ngại về những cạm bẫy trong việc làm ăn với cường quốc láng giềng phương Bắc, và từ đó tạo cơ hội cho Mỹ bước chân vào cuộc chơi.

Mỹ được lòng, Trung Quốc được lợi

Nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh, Mỹ giới thiệu sáng kiến hạ nguồn sông Mê Kông từ năm 2009, và sáng kiến dữ liệu nước vùng Mê Kông trong năm 2017, một chương trình đối tác đa phương nhằm giảm thiểu các lỗ hổng trong việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn. Dù vậy, các chuyên gia quan ngại rằng, nỗ lực của Mỹ vẫn chưa tương xứng với mức đầu tư mà Trung Quốc đang bỏ ra. Thitinan Pongsudhirak, phó giáo sư về chính trị tại Đại học Chulalongkorn nhận xét: “Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại và công nghệ với chính quyền Tổng thống Trump không ngăn cản nổi tham vọng vươn ra toàn cầu của Trung Quốc, mà càng khiến quốc gia này nỗ lực hơn trong cuộc đối đầu”.

Dễ nhận thấy dấu chân kinh tế của Trung Quốc đã vượt xa ngành công nghiệp năng lượng. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hỗ trợ 90 triệu USD cho khu vực phòng thủ Campuchia tại một hội nghị thượng đỉnh về “Vành đai và Con đường” tháng 4/2019. Đồng thời, Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn nhất ở Campuchia với nguồn vốn 12,6 tỷ USD kể từ năm 1994. Tại Lào, Bắc Kinh cũng đang tài trợ cho dự án đường sắt dài 414km, trị giá 7 tỷ USD chạy từ Boten, một thành phố của Lào giáp với Trung Quốc, đến thủ đô Vientiane, đây sẽ là một phần của tuyến đường sắt Côn Minh-Singapore đang được xây dựng. Công trình bắt đầu vào tháng 12/2016 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021.

Trong thương mại, Trung Quốc không ngừng vươn rộng các xúc tiến của mình. Việt Nam chứng kiến sự gia tăng 86% vốn đầu tư nước ngoài trong quý đầu năm 2019, gần một nửa trong số đó từ Trung Quốc khi các cơ sở sản xuất dịch chuyển về phía nam để tránh tác động của hàng rào thuế quan do Mỹ áp đặt. Dù vậy, nhìn chung Việt Nam và các quốc gia Mê Kông khác không muốn nghiêng mối quan hệ về Mỹ hay Trung Quốc, vì những lợi ích mà hai cường quốc mang lại không loại trừ lẫn nhau. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI