Mỹ: Cha mẹ kiệt sức khi con nhỏ nhiễm COVID-19

21/01/2022 - 18:42

PNO - Số trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong tháng này đang tạo thêm nhiều áp lực và căng thẳng cho các gia đình ở nước này, nhất là những gia đình vốn lệ thuộc vào nhà trẻ, trường mầm non và các dịch vụ giữ trẻ khác.

Hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Mỹ bị nhiễm bệnh trong thời gian gần đây đều chưa được tiêm ngừa, và gần một nửa trong số này không được đeo khẩu trang vì còn quá nhỏ.

Một gia đình đi dạo trong công viên Central Park, New York City
Một gia đình đi dạo trong công viên Central Park, New York City

Nhiều chuyên gia đã trấn an các bậc cha mẹ rằng trẻ em không có nguy cơ cao bị bệnh nặng, nhập viện hoặc tử vong khi nhiễm COVID-19. Dữ liệu gần đây từ Nam Phi và Anh cũng cho thấy, ngay cả khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phải nhập viện vì nhiễm biến thể Omicron, thì khả năng bị bệnh nghiêm trọng cũng rất thấp, do virus chủ yếu ảnh hưởng đến đường hô hấp trên chứ không tấn công vào phổi, như thường xảy ra ở người lớn.

Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Vox, trẻ sơ sinh vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, các bậc cha mẹ ở Mỹ lại không có chế độ nghỉ phép dài ngày được hưởng lương cho mục đích chăm sóc con nhỏ. Vì vậy nhiều gia đình ở nước này buộc phải gửi con đến nhà trẻ khi các bé chỉ mới được 6 tuần tuổi. Nhưng họ cũng không thể làm điều này khi các trường học và nhà trẻ phải đóng cửa do dịch bùng phát, hoặc khi trẻ bị nhiễm bệnh.

Trong một gia đình có cả cha và mẹ, khi một đứa trẻ mới biết đi bị nhiễm COVID-19 thì ai nên là người chăm sóc bé, ai là người nên được cách ly? Những đứa trẻ khác trong cùng gia đình thì có nên được cách ly để tránh bị lây nhiễm không? Ai sẽ có thể nghỉ làm để trông chừng bọn trẻ? Và điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những người lớn trong gia đình đều bị nhiễm bệnh nặng đến mức không thể để chăm sóc một đứa trẻ cũng đang bị nhiễm bệnh? Theo Vox, những câu hỏi này càng đè nặng hơn trong những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân, hoặc cả cha và mẹ đều phải làm việc bên ngoài và không thể nghỉ việc.

Thêm vào đó, đối với những bé đã tiếp xúc gần với các ca nhiễm COVID-19 ở nhà trẻ hoặc trường mầm non, thì dù có kết quả xét nghiệm âm tính sau đó, các bé cũng phải được cách ly tại nhà từ 10-14 ngày, theo quy định của nhiều nơi tại Mỹ. Theo Vox, tình trạng này đang khiến hàng triệu gia đình - và phần lớn là các bà mẹ - phải loay hoay tìm cách vừa tiếp tục kiếm tiền (để chi trả cho dịch vụ chăm sóc trẻ em mà họ không thể sử dụng), vừa chăm sóc cho con nhỏ và giữ cho gia đình của mình an toàn nhất có thể.

Nhà dịch tễ học Genevieve Wojcik của Đại học Johns Hopkins - người đang phải chăm sóc 2 con nhỏ, gồm một bé trai 20 tháng tuổi và một bé gái 4 tuổi, tại nhà - là một trong số những bà mẹ như thế. Giống như rất nhiều bậc cha mẹ đang mệt mỏi vì đại dịch khác ở Mỹ, Wojcik cũng phải vừa chăm sóc con cái, vừa duy trì một công việc được trả lương theo thực tế phát sinh. Và cô đang cảm thấy kiệt sức.

“Các con tôi bắt đầu quay lại nhà trẻ vào tháng 8/2020. Khi đó, bé lớn đã được 2 tuổi rưỡi và phải đeo khẩu trang. Nhưng sau đó dịch đã bùng phát trở lại. Điều đáng lo hơn là bé trai nhỏ lại bị ốm liên miên. Bé đã bị bị nhiễm RSV (virus hợp bào hô hấp), bệnh tay chân miệng, và một loạt các bệnh cảm lạnh khác.

Rủi ro đối với các bé lúc này không chỉ là COVID-19. Điều này càng khiến cho tôi bị căng thẳng thêm, nhất là khi bé trai nhỏ không đeo khẩu trang, nên bé càng dễ cho tay vào miệng”, Wojcik chia sẻ.

“Một điều đáng lo khác hiện nay là ngay cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ và tiêm tăng cường vẫn đang bị nhiễm bệnh khá nhiều. Tuy bệnh không nặng, nhưng cũng khiến cho công việc bị gián đoạn vài ngày. Tôi tự hỏi, nếu cả hai vợ chồng chúng tôi đều bị nhiễm COVID-19, thì ai sẽ chăm sóc bọn trẻ? Tôi không quá lo lắng về sức khỏe của mình, nhưng tôi lo không biết ai sẽ nuôi những đứa trẻ này nếu tôi nằm liệt giường. Sống trong thời COVID-19 có nghĩa là bạn sẽ phải tự làm mọi thứ”, Wojick nói thêm.

Nhất Nguyên (theo Vox)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI