Mỹ cảnh báo nguy cơ lừa đảo liên quan vắc-xin ngừa COVID-19

03/12/2020 - 06:07

PNO - Là mặt hàng được thế giới mong đợi nhất năm 2020, vắc-xin ngừa COVID-19 có thể trở thành miếng mồi ngon để những kẻ lừa đảo trục lợi.

Bảo mật tuyệt đối để chống gian lận

Các nhà điều tra của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã và đang làm việc với Pfizer, Moderna và hàng chục công ty dược phẩm khác trong quá trình hoàn thiện, phân phối vắc-xin và các phương pháp điều trị COVID-19. Hành động này nhằm chuẩn bị đối phó với những trò gian lận sắp xảy ra, đặc biệt là sau sự bùng nổ hoạt động tội phạm trong năm nay với thiết bị bảo vệ cá nhân giả, phương pháp chữa trị “rởm” và các âm mưu tống tiền khác. 

Steve Francis - Trợ lý giám đốc điều tra thương mại toàn cầu của cơ quan điều tra Bộ An ninh nội địa Mỹ - cho biết: “Tất cả chúng tôi đều rất vui mừng về vắc-xin và phương pháp điều trị tiềm năng nhưng đồng thời cũng lo ngại những tổ chức và cá nhân tội phạm sẽ cố gắng lợi dụng lòng tin công chúng”.

Các thùng làm lạnh đặc biệt sắp được đưa lên một máy bay chở hàng  của hãng Lufthansa tại sân bay Frankfurt (Đức), chuẩn bị cho sứ mệnh  vận chuyển vắc-xin COVID-19 - Ảnh: AFP

Các thùng làm lạnh đặc biệt sắp được đưa lên một máy bay chở hàng của hãng Lufthansa tại sân bay Frankfurt (Đức), chuẩn bị cho sứ mệnh vận chuyển vắc-xin COVID-19 - Ảnh: AFP

Dù các báo cáo cho biết, đã có ba loại vắc-xin COVID-19 được hoàn thiện với hiệu quả từ 90-95%. Hôm 2/12 Anh trở thành nước đầu tiên cấp phép cho vắc-xin COVID-19 của Pfizer. Hiện, các công ty dược phẩm luôn duy trì các biện pháp bảo vệ và tính năng bảo mật thương hiệu để giúp tránh gian lận, nhưng điều đó có thể bị trì hoãn cho đến thế hệ vắc-xin thứ hai, bởi mọi thành quả hiện tại đều được vận hành trên cơ sở tình huống khẩn cấp.

Tính đến ngày 2/12, số ca nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 13 triệu người ở Mỹ và nhiều thành phố bắt đầu hạn chế việc di chuyển khi nước này bước vào mùa đông. Theo số liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, đại dịch đã giết chết hơn 266.000 người tại Mỹ.

Những vụ lừa đảo trị giá hàng triệu USD

Karen Gardner - Giám đốc tiếp thị của SIPCA Bắc Mỹ, một công ty hoạt động như cầu nối giữa chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng - cảnh báo: “Bất kỳ thứ gì có nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế đều sẽ trở thành đối tượng của gian lận”.

Các nhà điều tra đang xem xét quy trình đóng gói vắc-xin, truyền thông điệp đến các đại lý thực địa, tạo ra một cơ sở dữ liệu thông tin từ hơn 200 công ty để có thể dễ dàng phát hiện ra hàng giả và truy quét hành vi gian lận. Đồng thời, họ cũng theo dõi hàng chục ngàn trang web giả và tìm bằng chứng về các phương pháp chữa trị giả được bán trực tuyến.

Đầu năm 2020, khi dịch bệnh vừa bùng phát khiến các bệnh viện và chính phủ thiếu hụt khẩu trang, găng tay và các đồ bảo hộ khác, nạn lừa đảo cũng tăng lên. Người dân vô tình trả tiền cho những món hàng mà họ không bao giờ nhận được. 

Trước tình hình đó, cơ quan điều tra Bộ An ninh nội địa Mỹ tích cực sử dụng 7.000 đặc vụ song song với các quan chức biên giới, FDA và Cục Điều tra liên bang (FBI) để truy quét các vụ lừa đảo, thu giữ sản phẩm giả và bắt giữ hàng trăm người. Nỗ lực này có sự tham gia của Trung tâm Điều phối quyền sở hữu trí tuệ quốc gia (NIPRCC) - một cơ quan giám sát của chính phủ nhằm thực thi luật thương mại quốc tế và chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

NIPRCC phân tích hơn 70.900 trang web bị nghi ngờ có liên quan đến lừa đảo, hỗ trợ thu giữ hàng triệu thiết bị bảo vệ cá nhân, dược phẩm kháng virus giả hoặc không được phê duyệt. Riêng cơ quan điều tra Bộ An ninh nội địa Mỹ đã xử lý hơn 1.600 vụ, tịch thu số sản phẩm trị giá hơn 27 triệu USD và thực hiện hơn 185 vụ bắt giữ. 

Linh La (theo AP, CBS News)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI